Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Cao điểm rốt ráo gỡ thẻ
Nêu cao ý thức trong từng ngư dân
Gỡ "thẻ vàng" IUU không còn là nhiệm vụ của riêng nghề cá, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân sống tại các khu vực có biển nói riêng.
Là một ngư dân có hơn 50 năm làm nghề biển tại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, ông Trần Ngọc Thu thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, truyền dạy lại cho người dân địa phương rất nhiều kinh nghiệm trong nghề biển; hướng dẫn thợ cách tu sửa tàu cá, chuẩn bị ngư lưới cụ sao cho hợp lý, ít tốn kém, đánh bắt hiệu quả nên ông được ngư dân tại đây quý trọng.
Chính vì nhiệt huyết cống hiến, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ ngư dân trong cùng khu vực đã tạo nên niềm tin của cộng đồng ngư dân dành cho ông Trần Ngọc Thu. Qua 6 năm cả nước chung tay gỡ "thẻ vàng" IUU, ông Trần Ngọc Thu cũng có chừng đó thời gian tuyên truyền đến từng ngư dân tỉnh thần tuân thủ pháp luật trong quá trình khai thác trên biển.
Thiếu tá Phạm Văn Phú, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lình Huỳnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nhận xét: Ông Trần Ngọc Thu từng cầm lái, dẫn dắt đoàn tàu 8 chiếc của gia đình ra khơi đánh bắt hải sản. Hơn 20 năm làm thuyền trưởng, ông chưa một lần đánh bắt trái quy định của pháp luật dù vẫn biết là đánh bắt ở vùng biển nước ngoài thu lợi nhiều hơn.
Giờ đây, ở độ tuổi quá thất thập, ông Trần Ngọc Thu tích cực tham gia vào hoạt động tuyên truyền chống khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài do lực lượng biên phòng phát động.
Ngoài ra, ông Trần Ngọc Thu còn tích cực hỗ trợ phương tiện, vật chất cùng với địa phương, đồn Biên phòng mua cờ, ảnh Bác Hồ, in ấn tài liệu, rồi cùng lên tàu góp tiếng nói vận động ngư dân chấp hành pháp luật, kêu gọi ngư dân chung tay chống khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài…
Đồng thời, ông Thu tuyên truyền ngư dân phải dùng ngư lưới cụ đúng quy định, không được dùng chất độc, chất nổ để đánh cá và chỉ được đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.
Nhiều giải pháp
Đồng hành cùng các địa phương trên chặng được chống khai thác bất hợp pháp, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền ngư dân ý thức tuân thủ pháp luật khi hành nghề trên biển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp đã giảm mạnh so với trước đây. Cụ thể, từ khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển năm 2022 đến nay, số lượng tàu cá vi phạm giảm hẳn so với trước đây.
Điều đó cho thấy, ý thức của bà con ngư dân đã tăng lên và việc kiểm tra, kiểm soát từ trên bờ, xuống biển, đặc biệt là vùng biển giáp ranh với các nước đã thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, một điển hình nữa là tình hình thực hiện các quy định chống khai thác IUU tại thành phố Vũng Tàu đã có tiến bộ rõ rệt. Đây là một trong những địa phương có năng lực khai thác lớn của tỉnh, chiếm hơn 40% về số lượng và 37% tổng công suất của tàu khai thác thủy sản.
Qua khảo sát các ngư dân tại huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, các ngư dân cũng nhận thức được rằng khai thác trái phép, bất hợp pháp sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng và tài sản của ngư dân. Chính vì vậy, các ngư dân cũng thay đổi phương án hoạt động khai thác.
Theo ông Huỳnh Tấn Nhất, ngư dân khai thác xa bờ tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng cá khai thác không còn như trước, nên để khai thác được cá, vừa tuân thủ pháp luật, ngư dân đã kéo dài thời gian hoạt động trên biển hơn so với trước đây, từ 1-2 tháng/chuyến thành 3-4 tháng/chuyến.
Tuy nhiên, để thực hiện được, các ngư dân cũng rất cần các nhà chức năng gia hạn thời gian đăng kiểm hoặc cho chủ tàu cá đăng kiểm trước khi tàu ra khơi, gối đầu tiếp thời hạn còn đăng kiểm cho năm sau.
Thêm vào đó, ngư dân cũng có nhiều trăn trở, khi khai thác trên biển lại xảy ra nhiều sự cố về giám sát hành trình. Ông Huỳnh Tấn Nhất cùng nhiều ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có kiến nghị cơ quan chức năng cho tàu cá vẫn ở lại hoạt động trên biển khi máy giám sát hành trình hư hỏng và các lực lượng đang thực thi pháp luật trên biển (như cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư, bộ đội biên phòng) ở gần tàu cá đó có thể đến xác nhận hiện trạng tàu. Có như vậy, ngư dân mới có thể yên tâm bám biển lâu dài.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng kiến nghị này của ngư dân có thể thực hiện được.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sau khi đến xác nhận hiện trạng tàu cá, có thể gắn tạm một máy giám sát hành trình khác cho tàu cá để việc theo dõi hoạt động của tàu cá trên biển qua vệ tinh được kết nối và việc giám sát tàu cá này thời gian sau đó sẽ do đơn vị chấp pháp đó chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, các chi phí này sẽ do Quỹ bảo vệ môi trường biển hoàn trả để ngư dân an tâm. Giải pháp này có thể giúp quản lý chặt chẽ tàu cá mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển.
Bằng nhiều giải pháp từ Trung ương đến địa phương, thậm chí từ những ngư dân đưa ra sau những sự cố trong thực tiễn điều góp phần vào công cuộc giữ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Những nỗ lực này cũng đã được Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Julien Guerrier, đánh giá cao và kỷ vọng vào tiến bộ của Việt Nam trong quản lý tàu cá, có thể sớm gỡ bỏ được thẻ vàng chống khai thác bất hợp pháp, trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 4/4/2024 vừa qua.
Trước những đánh giá tích cực từ phía Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phấn khởi: Đây là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm. Gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm của đất nước, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.