Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương sẽ đề xuất chính sách an sinh cho ngư dân
"Thời gian qua, giá xăng dầu phi mã gây khó khăn cho ngư dân bám biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương có giải pháp gì để bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ ngư dân?", đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chiều 7/6.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT cùng các hiệp hội, ngành hàng đã cố gắng hết sức để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân.
Cùng tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nếu giá xăng dầu, đầu vào tiếp tục tăng cao, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ và cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thêm các loại thuế hoặc tính tới dùng các công cụ, chính sách, quỹ an sinh để hỗ trợ người dân, người thu nhập thấp.
“Một mặt bằng các công cụ thuế, quỹ bình ổn để kiểm soát và kìm tốc độ gia tăng của giá xăng dầu. Mặt khác, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường và có chính sách an sinh để hỗ trợ cho các đối tượng này.
Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển”, ông Diên nói.
Ngoài yếu tố giá xăng dầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngành khai thác thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khác.
“Hơn 800.000 ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm dịch vụ hậu cần ven biển, xung quanh các cảng cá,... nhưng ai tham gia tổ chức mà chỉ tồn tại manh mún, nhỏ lẻ”, ông Hoan nói.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng NN&PTNT đưa ra là cơ sở hạ tầng nghề cá như các cảng neo đậu, cảng cá, mái che tạm bợ,… chưa đủ điều kiện để khiến ngành thủy sản trở nên hiện đại. Điều này làm hao hụt đến 30% sản lượng thuỷ sản mà bà con thu hoạch được.
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Ông cho biết trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp trong khi các cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng, Bộ NN&PTNT đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp đa giá trị, theo hướng quản trị mới hơn.
Ngoài ra, Bộ trưởng thừa nhận việc thực hiện chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản còn nhiều bất cập và chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra.
Do đó, cần phải đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…