Phó Chủ tịch Vasep: Việt Nam có thể bị EU 'giơ thẻ vàng'
Ảnh: Bình Phương. |
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, Việt Nam có thể bị EU 'giơ' thẻ vàng. “Việc nhận thẻ vàng của EU sẽ tạo ra phiền phức rất lớn, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU, sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác”- Bà Sắc cảnh báo.
Trước nguy cơ trên, Vasep kêu gọi các doanh nghiệp hội viên, cam kết chống khai thác IUU và cho biết, sẽ thành lập ban điều hành về IUU. Dự kiến sẽ kiện toàn ban điều hành trong tháng 9 này với thành viên là các doanh nghiệp ngành hàng hải sản (cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá biển…).
Theo các chuyên gia về IUU, những quốc gia bị EU giơ thẻ đỏ, thẻ vàng đều chịu những thiệt hại rất lớn về thị trường. Những nước bị thẻ vàng không cải thiện, sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu hải sản sang EU (nhận thẻ đỏ). Năm 2015, Thái Lan bị phạt thẻ đỏ trong 12 tháng, thiệt hại 200 - 300 triệu USD. Năm 2016 vừa qua, Đài Loan cũng bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 230 triệu USD. Năm 2014, Philippines bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 250 triệu USD… Các chuyên gia cũng khuyến cáo, quốc đảo Thái Bình Dương và một số nước trong khối ASEAN đang gây sức ép với EU về việc đưa ra các biện pháp thương mại đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Vasep cho biết, đến nay có trên 20 quốc gia bị nhận thẻ vàng từ EU, trong đó 9 nước đã tiến hành cải cách và được hủy bỏ cảnh cáo. Các nước được xác định là không hợp tác và phải nhận “thẻ đỏ”, có nghĩa là có lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của họ với các nước EU là Campuchia, Guinea và Sri Lanka. Thái Lan cũng đang là một trong số những nước trong khu vực Đông Nam Á bị nhận thẻ vàng của EU.
Lắp đặt thiết bị kiểm soát tàu cá
Theo Bộ NN&PTNT từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong cuộc họp gần đây về IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Việt Nam không dung túng các hành vi tàu cá vi phạm vùng biển các nước và xử lý nghiêm các vi phạm. Chính phủ rất quan tâm khắc phục, xử lý vấn đề này”.
Ông Tám cũng cho biết, cuối tháng 8 vừa rồi, một hội nghị tổ chức tại Quảng Ngãi về thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề trên. Các địa phương cũng rất quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngay tại địa phương bị cảnh báo là Quảng Ngãi, từ tháng 8 đến nay, tỉnh không có ngư dân nào vi phạm vùng biển của các nước, đây là một tín hiệu tích cực.
Theo ông Tám, hiện Việt Nam đã điều tra, nắm bắt được nguồn lợi thủy sản trên biển. Dựa trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lại khai thác theo hướng phát triển bền vững, kiểm soát việc đóng mới tàu cá, khai thác nguồn lợi theo hướng giảm ven bờ, giữ lượng tàu khai thác xa bờ khoảng 30.000 chiếc. Những hoạt động khai thác ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái như lưới kéo, giã cào…sẽ bị hạn chế.
Về kiểm soát tàu cá, ông Tám cho biết, hiện có 3 dự án thí điểm, lắp đặt thiết bị giám sát cho hơn 12.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong thời gian tới, phấn đấu 100% số tàu cá đánh bắt xa bờ của cả nước sẽ được lắp các thiết bị giám sát và bật thiết bị kết nối 24/24 giờ. Bộ cũng đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp, đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp...
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, việc thực hiện quy định IUU nhằm tăng cường quản lý nghề cá ở Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Do vậy, những khuyến nghị EU về vấn đề IUU với Việt Nam sẽ được “lồng” vào trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới. Tuy nhiên, đặc điểm nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, trình độ ngư dân có hạn nên không “một sớm, một chiều” để hoàn thiện ngay như các nước phát triển.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, để trình Thủ tướng trong tháng 9 này. Bộ NN&PTNT cũng sẽ rà soát, tham mưu về việc thành lập nâng cấp tổ công tác “689” thành ban chỉ đạo cấp chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Ông Cường cũng giao các đơn vị sớm hoàn chỉnh báo cáo về thực hiện quy định IUU để gửi tới EU, đồng thời kiến nghị EU lùi thời gian xem xét vấn đề này đến 31/12/2017.
Trong công điện mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép…Thời gian tới, nếu tình trạng vi phạm tiếp diễn, chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/