|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xăng dầu liên tục xô đổ mọi kỷ lục, ĐBQH đề nghị sớm giảm nhiều loại thuế

14:51 | 02/06/2022
Chia sẻ
Giá xăng dầu tăng nóng là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội đề cập trong kỳ họp lần này. Các đại biểu đề nghị điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với mặt hàng này trong năm 2022.

Sau kỳ điều chỉnh chiều 1/6, giá xăng đang ở mức 30.230 – 31.570 đồng/lít, tăng 30-32% so với đầu năm. Tương tự, giá dầu cũng dao động 20.900 – 26.390 đồng/lít, kg, tăng 27 – 48%.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 10 đợt tăng, 3 đợt giảm. Đây là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) cho biết trong vài năm vừa qua, hiệu quả kinh tế với ngư dân chưa đạt được mong muốn bởi giá nguyên liệu leo thang, nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, thời tiết.

Chi phí cho mỗi chuyến ra khơi quá lớn trong khi lợi nhuận thu về chẳng là bao, thu không bù nổi chi. Nhiều chủ tàu vướng nợ xấu, không trả lãi đúng hạn cho ngân hàng.

Không riêng ngành khai thác thủy sản, giá xăng dầu tăng đang tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và túi tiền của người dân.

Giá xăng dầu tăng cao bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và túi tiền của người dân. (Ảnh: Hoàng Anh)

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa), hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, làm tăng giá thành các loại sản phẩm, làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Để bảo đảm linh hoạt trong kìm chế giá xăng dầu tăng cao, kìm chế lạm phát, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.

“Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với giá dầu thô tăng, mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này”, ông Khoa nhận định.

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hoá dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định.

Đây là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá nhạy cảm với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, với nguồn thu tăng lên từ khai thác dầu, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hoá khác tăng.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết muốn giảm được giá xăng dầu rằng cần phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Ví dụ, thuế trong giá xăng dầu của nước ngoài chiếm từ 45 đến 60% nhưng đối với nước ta chỉ từ 29 đến 30% thuế trong giá xăng dầu. Như xăng A92, các loại thuế trong xăng dầu chỉ chiếm 28% trong giá xăng dầu.

Vừa qua đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác, hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Giảm thuế có nghĩa là chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa; đương nhiên phải cắt giảm các khoản chi. Tuy nhiên, đối với nước ta là nước xuất xuất khẩu dầu thô, mỗi năm khoảng trên 8.000.000 thùng dầu thô nên khi giá dầu thô lên, chúng ta cũng bù đắp được một phần.

Vấn đề giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu," Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Hoàng Anh