|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng

15:31 | 13/05/2019
Chia sẻ
Bên cạnh kết quả kinh doanh quí I khả quan của các doanh nghiệp thủy sản và dệt may, cùng với diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng đã giúp nhiều cổ phiếu của hai ngành này có tiếp tục duy trì cơn sóng.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lãi lớn trong quí I

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu thủy sản cả nước trong quí I đạt 423.700 tấn, trị giá 1,8 tỉ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 1,6% về trị giá so với cùng kì năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra giảm, xuất khẩu cá ngừ chững lại, xuất khẩu chả cá tăng trưởng khả quan so với cùng kì năm 2018.

Tình hình trên đã tác động tương đối tích cực đến tình hình kinh doanh các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán cũng như giá cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp thủy sản (Minh Anh tổng hợp)

Theo thống kê, có 8/11 doanh nghiệp báo lãi đột biến so với cùng kì 2018. Điển hình phải kể đến là "nữ hoàng" cá tra Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) khi ghi nhận lãi sau thuế đột biến 307 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kì dù doanh thu thuần giảm nhẹ.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu VHC trong vòng một năm qua (nguồn: VNDirect).

CTCP Nam Việt (Navico - mã: ANV) cũng có kết quả kinh doanh tốt với lãi sau thuế tăng gấp đôi cùng kì và đạt hơn 200 tỉ đồng nhờ vào tăng trưởng từ các thị trường hiện hữu và chi phí nguyên liệu đầu vào thấp.

Ngoài ra, tuy là doanh nghiệp nhỏ trong ngành thủy sản nhưng Camimex Group (Mã: CMX) vẫn báo lãi đột biến đạt 24 tỉ đồng trong quí I, gấp 6 lần cùng kì.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu CMX trong vòng một năm qua (nguồn: VNDirect).

Dù gặp còn gặp nhiều áp lực về chi phí nợ vay cũng như thất bại tại đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) của Bộ Thương mại Mỹ, Hùng Vương (Mã: HVG) đã có kết quả kinh doanh khả quan với lãi sau thuế hơn 6 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước ghi nhận âm 387 tỉ đồng.

So với ngành cá tra thì doanh nghiệp tôm có vẻ yếu thế hơn khi tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức khá khiêm tốn. Kết thúc quí I, "vua tôm" Minh Phú (Mã: MPC) đạt doanh thu thuần 2.189 tỉ đồng, tăng 14%; lãi sau thuế công ty mẹ 209 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì.

Trong khi đó, Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) báo lãi sau thuế tăng 22% lên 40,9 tỉ đồng nhờ giá vốn giảm mạnh.

Thực phẩm Sao Ta cho biết, công ty đã thả giống xong trên toàn bộ ao nuôi và phát triển tốt. Việc tiêu thụ tôm quí I có giảm so năm 2018 nằm trong hoàn cảnh chung toàn ngành. Tuy nhiên, dựa vào đơn hàng đã có, từ tháng 5 này việc tiêu thụ sẽ tăng mạnh, bù đắp cho các tháng đầu năm.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu FMC trong vòng một năm qua (nguồn: VNDirect).

Dệt may: Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bứt phá, "ông lớn" May Việt Tiến hụt hơi

Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mang đến kỳ vọng tăng trưởng đơn hàng và ngành dệt may là sẽ hưởng lợi nhiều. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng bứt phá, giúp nhiều cổ phiếu thăng hoa.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 5.

Kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp dệt may (Minh Anh tổng hợp).

Kết thúc quí I, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) đạt hơn 800 tỉ đồng, tăng 22%. Lợi nhuận gộp của TNG đạt 150 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kì.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21% và 56%, tương ứng ở mức 26,8 tỉ đồng và 52,4 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, TNG ghi nhận lãi sau thuế quí I hơn 37 tỉ đồng, tăng 72%.

Điều này đã ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu TNG trong thời gian qua. Kể từ tháng 7/2018, cổ phiếu này bắt đầu bứt phá và lên mức 21.600 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức tăng hơn 100%.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 6.

Diễn biến giá cổ phiếu TNG trong vòng một năm qua (nguồn: VNDirect).

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngành dệt may khác cũng có kết quả kinh doanh quí I khả quan như Dệt may Thành Công (Mã: TCM); Sợi Thế Kỷ (Mã: STK).

3 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu khoảng 41,1 triệu USD, tăng 14%. Lợi nhuận sau thuế 2,82 triệu USD, tương đương 65 tỉ đồng và tăng 36% so với cùng kì năm trước.

Trong khi đó, Sợi Thế Kỷ đạt doanh thu thuần 605 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kì; lãi sau thuế 51 tỉ đồng, tăng 27% chủ yếu đến từ sợi tái chế với biên lợi nhuận khoảng 20%.

Nhận định thị trường xuất khẩu dệt may sẽ khó khăn nhưng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - mã: VGT) vẫn ghi nhận lãi sau thuế 194 tỉ đồng trong quí I, tăng 9% so với cùng kì.

Dù là doanh nghiệp lớn trong ngành nhưng May Việt Tiến (Mã: VGG) lại khiến nhà đầu tư thất vọng khi lợi nhuận sau thuế 88 tỉ đồng, giảm 10% so với cùng kì.

Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc May Việt Tiến, hiện các hiệp định thương mại được ký kết chưa có tác động tích cực, vẫn còn mù mờ vì căn bản Việt Nam không có nguyên liệu, vẫn chỉ là gia công.

May Việt Tiến được nâng cấp lên FOB (tự chủ nguyên liệu) nhưng vẫn phải do sự chỉ định của khách hàng, phải mua ở nước ngoài là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Do đó, ban lãnh đạo chưa có sự đánh giá cao đối với tác động tích cực từ các hiệp định mang lại.

Kết quả kinh doanh quý I tích cực, cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn tạo sóng - Ảnh 7.

Diễn biến giá cổ phiếu TNG trong vòng một năm qua (nguồn: VNDirect).

Chiến tranh thương mại leo thang, cơ hội nào cho doanh nghiệp dệt may và thủy sản?

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại báo cáo tháng 5, ngành tiện ích công cộng cùng với một số ngành nhỏ như dệt may và thủy sản có tăng trưởng về giá cổ phiếu vượt trội tính từ đầu năm. Đối với các ngành còn lại, kết quả còn tùy thuộc vào từng cổ phiếu. Điều này cũng tương tự với kết quả kinh doanh; bức tranh tổng thể có thể không hứa hẹn, nhưng vẫn có một số điểm sáng.

Cùng với đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắt đầu quá trình tăng thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc thì dường như cổ phiếu thủy sản và dệt may lại được nhà đầu tư để ý hơn cả.

Đó là việc Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,8 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 78,8 tỉ USD, tăng 5,8%, còn nhập khẩu đạt 78,1 tỉ USD, tăng 10,4% so với cùng kì năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường chủ lực, đạt kim ngạch 17,8 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng mạnh 28,4% so với cùng kì năm ngoái.

Các ngành nghề có kim ngạch cao là điện thoại và linh kiện tăng 104,9%; giày dép tăng 9,4%; hàng dệt may tăng 8,5%, thủy sản 7,7%. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng.

Minh Anh