|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh của Volkswagen vượt ngoài mong đợi

22:48 | 25/07/2019
Chia sẻ
Volkswagen đã đạt được kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi trong 6 tháng qua trong khi nhiều hãng sản xuất khác kinh doanh thua lỗ.
Kết quả kinh doanh của Volkswagen vượt ngoài mong đợi - Ảnh 1.

Biểu tượng của Volkswagen. Ảnh: reuters

Trong bối cảnh ngành sản xuất ô tô trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, Volkswagen - một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới của Đức đã đạt được kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi trong 6 tháng đầu năm 2019, trong khi nhiều hãng sản xuất khác kinh doanh thua lỗ.

Theo số liệu do tập đoàn công nghiệp ô tô lớn nhất của Đức công bố hôm 25/7, trong 6 tháng đầu năm 2019, tập đoàn này đã đạt doanh thu trên 125 tỉ Euro, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận đạt 10 tỉ Euro, tăng 2%.

Tính riêng trong Quý II/2019, Volkswagen đã đạt doanh thu 65 tỉ Euro, tăng 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận đạt 5,1 tỉ Euro, tăng gần 30%.

Giám đốc tài chính Frank Witter của Volkswagen cho biết, mức tăng trưởng trên là rất cao và “Volkswagen đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong bối cảnh thị trường chung đang suy yếu”.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào của Volkswagen cũng đạt lợi nhuận tốt. Trong khi dòng xe thể thao Porsche, xe Volkswagen cũng như các dòng xe tải của các nhà sản xuất Scania, MAN (đều thuộc tập đoàn Volkswagen) có kết quả kinh doanh tốt, thì ngược lại, lợi nhuận của thương hiệu Audi lại giảm và chỉ đạt 2,3 tỉ Euro.

Trái ngược với Volkswagen, hãng chế tạo ô tô Daimler AG cũng của Đức ngày 24/7 thông báo đã thua lỗ 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) trong quý II/2019 khi nhà sản xuất mẫu xe siêu sang Mercedes-Benz này đã phải bỏ ra khoản chi phí một lần lên tới 4,2 tỷ euro để giải quyết các vấn đề liên đến cáo buộc gian lận khí thải đối với các mẫu xe diesel cũng như các đợt thu hồi xe do lỗi túi khí.

Đây là khoản lỗ theo quý đầu tiên của Daimler AG kể từ năm 2009 và là sự khởi đầu không mấy suôn sẻ đối với tân Giám đốc điều hành Ola Kallenius, người tiếp quản vị trí này từ người tiền nhiệm Dieter Zetsche vào ngày 22/5.

Daimler AG hiện đang bị điều tra tại Đức và Mỹ, đồng thời đang đối mặt với các vụ kiện dân sự liên quan đến cáo buộc gian lận khí thải đối với các mẫu xe diesel.

Hãng cũng đối mặt với các khoản chi phí ngày càng tăng liên quan đến các đợt thu hồi xe do lỗi túi khí. Hãng sản xuất ô tô khổng lồ của Đức cho biết kết quả kinh doanh sẽ có sự “cải thiện đáng kể” trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, hãng dự tính lợi nhuận hoạt động cả năm nay sẽ giảm đáng kể so với con số 11,1 tỷ euro trong năm ngoái.

Cũng giống như Daimler, nhà sản xuất xe điện Tesla của Mỹ đang phải đối mặt với khoản thua lỗ đáng kinh ngạc trong hoạt động kinh doanh trong Quý II/2019.

Với giá thành sản xuất và chi phí vận chuyển cao đối với mẫu xe được chờ đợi Model 3, Tesla đã lỗ 408,3 triệu USD (366,5 triệu Euro).

Cổ phiếu của tập đoàn này đã mất 20% giá trị từ đầu năm 2019 đến nay và thường chìm trong sắc đỏ.

Doanh số bán hàng của Tesla cũng không đạt được như dự báo của các nhà phân tích, mặc dù so với năm trước con số này đã tăng 60% và đạt 6,4 tỉ USD.

Theo dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tesla sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

Không chỉ Tesla, các tập đoàn ô tô hàng đầu khác như BMW của Đức hay Nissan của Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với dự báo kết quả kinh doanh ít khả quan.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của BMW cũng thường xuyên trong trạng thái sắc đỏ từ đầu năm 2019.

Tập đoàn này đã phải lập ra chương trình tiết kiệm 12 tỉ Euro trong trong vòng 4 năm tới. Nhà sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản cũng đã phải thông báo cắt giảm 12.500 lao động trên toàn thế giới sau khi lợi nhuận kinh doanh giảm mạnh trong quý tài chính đầu năm 2019.

Trong khi đó, do chi phí tái cơ cấu lớn cùng dự báo doanh thu ảm đạm trong cả năm, lợi nhuận trong quý II/2019 của hãng xe Ford (Mỹ) đã sự sụt giảm mạnh.

Cụ thể, lợi nhuận của Ford trong quý vừa qua là 148 triệu USD, giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu giảm 0,2% xuống 38,9 tỷ USD. Điều này đã phản ánh được tác động từ các chi phí tái cơ cấu của Ford lên tới 1,2 tỷ USD tại châu Âu và Mỹ Latinh.

Việc Ford tái cơ cấu đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và hàng nghìn người bị mất việc làm.

Doanh thu bán xe của Ford giảm tại một số khu vực, trong đó có Trung Quốc, nơi nhu cầu thị trường bị chững lại.

Trong khi đó, các hãng đối thủ lại ra mắt nhiều mẫu xe mới tại Bắc Mỹ và hấp dẫn được khách hàng. Ford cũng thông báo sẽ bỏ một số mẫu sedan do nhu cầu suy yếu tại Mỹ.

Đặng Ánh - Thanh Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.