|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kenya nỗ lực chấm dứt nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, đẩy mạnh sản xuất thủy sản

11:23 | 04/09/2019
Chia sẻ
Kenya đã đưa ra một Dịch vụ Bảo vệ Bờ biển (CGS) mới để chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp tràn lan và hỗ trợ gia tăng sản lượng thủy sản của quốc gia này.
1c4a1a3dbd8910ac86e3af8bcb0f03f3

Kenya nỗ lực chấm dứt nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, đẩy mạnh sản xuất hải sản. Ảnh: Seafoodsource

Dịch vụ Bảo vệ Bờ biển (CGS) được Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đưa ra vào tháng 11/2018 với nhiệm vụ chống đánh bắt cá bất hợp pháp trên lãnh hải của Kenya bên cạnh cuộc chiến chống khủng bố, cướp biển, buôn bán người và ma túy.

Theo các thống kê của chính phủ Kenya, với sự tăng cường tuần tra vùng biển của đất nước Đông Phi này, trữ lượng cá biển của Kenya đã tăng 155.000 tấn vào tháng 7/2019.

Kenya là một trong nhiều quốc gia ở châu Phi vẫn chưa khai thác hết tiềm năng nghề đánh bắt cá xa bờ vì những thiệt hại đáng kể do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có giấy phép và không được kiểm soát (IUU).

Viện Nghiên cứu Hàng hải và Thủy sản Kenya (KMFRI), một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản, ước tính nghề cá biển của nước này có tiềm năng sản xuất 150.000 - 300.000 tấn cá mỗi năm, nhưng chỉ có 9.000 tấn được sản xuất vào năm 2015, mang lại cho quốc gia này 13 triệu USD trong tổng xuất khẩu cá.

Kenya đối mặt với đánh bắt cá bất hợp pháp

KMFRI cho biết Kenya đang mất khoảng 100 triệu USD mỗi năm cho các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia và có tổ chức tham gia đánh bắt cá bất hợp pháp.

"Đánh bắt cá bất hợp pháp làm suy giảm việc bảo tồn tài nguyên, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế, gây mất ổn định các vùng ven biển và hệ sinh thái do khả năng thực thi pháp luật hạn chế và có liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng khác", KMFRI cho biết trong một báo cáo gần đây.

CGS là một trong những động thái mới nhất mà Kenya thực hiện kể từ khi kí Thỏa thuận về các biện pháp quản lí cảng quốc tế (PSMA) để ngăn chặn và loại bỏ đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát tại Hội nghị FAO năm 2009.

Tuy nhiên, Kenya vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận, như dự kiến ban đầu vào năm 2017, mặc dù Bộ Ngư nghiệp và hội nghị Kinh tế Xanh đã thành lập một nhóm để giám sát việc phê chuẩn thỏa thuận.

Trước khi ra mắt CGS, các nhà phân tích cảnh báo đánh bắt quá mức từ các hoạt động thương mại, thủ công, sinh hoạt và câu cá giải trí vẫn là mối đe dọa lớn đối với mục tiêu hướng đến một ngành công nghiệp đánh bắt cá bền vững ở Kenya.

"Khai thác trực tiếp và tiêu thụ thịt cá mập trong nước vẫn ổn định. Gan cá dùng để chế biến các sản phẩm dầu cá mập, trong khi răng và hàm cá mập được bán cho khách du lịch", Viện nghiên cứu và phân tích Chính sách công Kenya (Kippra) cho biết.

Vì vậy, Kenya được coi là một điểm trung chuyển quan trọng đối với vây cá mập ở Tây Ấn Độ Dương, với nhu cầu về vây cá mập của Kenya, đặc biệt là từ châu Á, là động lực chính gây nên đánh bắt quá mức.

Trong khi đó, tổng sản lượng cá ở Kenya đã tăng từ 135.000 tấn trong năm 2017 lên 148.300 tấn vào năm 2018.

Khảo sát kinh tế gần nhất của Kenya cho thấy sản lượng cá nước ngọt tăng từ 111.800 tấn năm 2017 lên 124.100 tấn vào năm 2018 và đánh bắt cá ở hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi, hồ Victoria, chiếm 66,1% tổng lượng cá, với sản lượng 98.200 tấn năm 2018.

Sản lượng cá biển Kenya tăng 4,1% lên 24.200 tấn. Theo báo cáo của chính phủ Kenya, tỉ lệ cá biển tiếp tục thấp là do thiếu công nghệ và không đủ phương tiện cần thiết để đánh bắt ở vùng nước sâu.

Tổng thống Kenya cam kết đầu tư vào thủy sản

Trong bài phát biểu về Dịch vụ Bảo vệ Bờ biển, Tổng thống Kenya cho biết ông cam kết tăng đầu tư của đất nước vào lĩnh vực thủy sản.

"Các nguồn tài nguyên biển chỉ đóng góp tới 2,5% GDP của quốc gia, nhưng nếu được khai thác triệt để, nó sẽ mang lại cho đất nước nhiều hơn gấp ba số đó, cung cấp việc làm và thậm chí sinh kế cho hàng ngàn người", Tổng thống nhận định.

Ngọc Ánh