|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kênh đào Suez, điểm nghẽn khó có thể biến mất trong thương mại toàn cầu

15:11 | 22/12/2023
Chia sẻ
Kể từ khi được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, kênh đào Suez vẫn luôn là một trong những điểm nghẽn trong hoạt động thương mại toàn cầu vì tàu thuyền luôn có nguy cơ bị tấn công khi di chuyển qua tuyến đường này.

 

Tàu container di chuyển qua kênh đào Suez. (Ảnh: Bloomberg).

Tuần này, phiến quân Houthi đã tấn công vào các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ, buộc nhiều hãng vận tải biển phải chuyển hướng để đi vòng qua mũi Hảo Vọng.

Giữa lúc đó, quân đội các nước gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy,... đang cân nhắc thành lập một lực lượng để bảo vệ kênh đào Suez, tuyến vận tải huyết mạch trung chuyển 15% thương mại hàng hoá toàn cầu.

Các sự kiện trên có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại quốc tế. Vấn đề là đây không phải lần đầu tiên kênh đào Suez rơi vào một cuộc khủng hoảng như vậy.

Tờ Bloomberg cảnh báo rằng trong tương lai, tuyến đường biển nối châu Âu với Ấn Độ Dương này sẽ liên tục rơi vào tình huống nguy hiểm, buộc các chủ tàu phải luôn trong tư thế sẵn sàng phản ứng.

Bất ổn đeo bám kênh đào Suez

Kể từ khi khởi công vào tháng 11/1869, tuyến đường biển xuyên qua Ai Cập luôn là tâm điểm gây chú ý.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên bắt đầu vào năm 1956, khi chính quyền Cairo quyết định quốc hữu hoá con kênh và khước từ các nhà đầu tư nước ngoài. Anh, Pháp và Israel can thiệp quân sự, khiến kênh đào Suez bị đóng cửa trong khoảng 6 tháng.

Một thập kỷ sau, sự kiện “chiến tranh 6 ngày” buộc kênh đào Suez phải ngừng hoạt động trong 8 năm cho đến khi xung đột giữa Israel và Ai Cập tạm dừng, Bloomberg thông tin.

Khi kênh đào Suez đóng cửa, hàng hoá qua lại giữa châu Á và châu Âu phải đi vòng bằng đường biển xuống khu vực phía nam châu Phi hoặc đi bằng đường bộ qua Ấn Độ, Trung Á và Trung Đông.

Rủi ro cho các tàu đi qua tuyến đường biển nhân tạo dài 193 km này là khu vực Biển Đỏ. Một khi tàu đã ở trong Biển Đỏ thì gần như không còn lối thoát nào khác.

Vì vậy, tàu sẽ dễ bị tấn công bởi bất kỳ ai có tàu cao tốc và súng máy, hoặc tên lửa và máy bay không người lái. Đây chính xác là những gì đang xảy ra, khi phiến quân Houthi hoạt động dọc theo bờ phía đông của Biển Đỏ tấn công tàu hàng.

Hai thập kỷ trước, cướp biển Somali ở phía đông nam cũng từng khủng bố tàu thuyền và bắt giữ thuỷ thủ đoàn làm con tin để đòi tiền chuộc.

 

Trong tư thế sẵn sàng phản ứng

Nhiều hãng vận tải biển và nhà cung ứng dầu mỏ lớn đã hành động để bảo vệ thuyền viên và hạn chế rủi ro.

BP, A.P. Moller-Maersk, Hapag-Lloyd và Euronav tuyên bố sẽ tạm dừng dịch vụ qua Biển Đỏ hoặc chuyển hướng tàu. Evergreen Lines thông báo huỷ chuyến đến Israel do cuộc chiến giữa nước này và lực lượng Hamas.

Dù kênh đào Suez không bị đóng cửa và điểm giao tranh chính cách đó 2.000 km, động thái của các doanh nghiệp hàng hải cho thấy tình hình hiện nay không khác gì các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.

Và theo tờ Bloomberg, cũng giống như trước đây, không ai biết tình trạng gián đoạn sẽ kéo dài bao lâu. Do vậy, các công ty vận tải biển đang cố gắng thích nghi trong môi trường đầy bất ổn này.

May mắn là các doanh nghiệp ngày nay có lợi thế hơn so với 5 thập kỷ trước.

Trước hết, cán cân thương mại toàn cầu đã có sự thay đổi. Châu Á, nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, ngày nay đều là những nền kinh tế tiêu dùng quan trọng, bên cạnh vai trò lâu dài của họ trong khía cạnh sản xuất hàng hoá.

Trong khi tỷ trọng hàng hoá xuất đi từ châu Á tăng từ mức 31,9% năm 1969 lên 38,5% vào năm 2019, tỷ trọng hàng hoá được khu vực này nhập vào cũng nhích từ mức 7,9% lên 54,7% trong cùng giai đoạn, theo UNCTAD.

Nói cách khác, hoạt động thương mại tại chính châu Á đang lớn mạnh hơn bao giờ hết, qua đó giúp giảm bớt các chuyến hải trình dài nhằm đưa ra hàng hoá ra thị trường thế giới.

Mặt khác, việc đưa một container từ Thượng Hải đến Rotterdam có thể mất nhiều thời gian hơn do phải đi đường vòng qua châu Phi. Song, tàu biển đang ngày càng lớn hơn và các cảng hiện đại có thể bốc dỡ hàng hoá hiệu quả hơn. Nhờ đó, công suất và thời gian vận chuyển hàng cũng rút ngắn hơn so với 50 năm trước.

Bên cạnh đó, các công nghệ hiện đại như thông tin vệ tinh, hệ thống GDP và điện toán đám mây đã cho phép khách hàng và các công ty hàng hải lập kế hoạch, theo dõi và chuyển hướng tàu biển theo thời gian thực.

Những tiến bộ nói trên, cùng với nguồn thông tin ngày càng chính xác về khu vực Biển Đỏ, sẽ giúp các chủ tàu ứng phó nhanh chóng hơn.

Nhìn chung, tàu biển vẫn sẽ sử dụng kênh đào Suez khi nó an toàn, vì tiết kiệm thời gian và chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.

Song, việc doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó sẽ đảm bảo rằng nền kinh tế toàn cầu không gặp nguy hiểm khi tuyến đường biển này rơi vào một cuộc khủng hoảng khác. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân