|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

JPMorgan: Một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế có thể đang đến gần

18:24 | 21/09/2018
Chia sẻ
Những cuộc trả đũa thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài tháng qua có thể chỉ là sự khởi đầu của sự tranh chấp kinh tế kéo dài.

Các thị trường chứng khoán ở cả hai quốc gia đều tăng trong tuần này bất chấp những tuyên bố mới về thuế quan.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận dịnh, các mức thuế không nghiêm trọng như giới giao dịch dự đoán, và vẫn có hi vọng về sự hòa giải. Tuy nhiên, thực tế có thể chứng minh một điều khác, vì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đến từ hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, theo đuổi mục tiêu phát triển của riêng mình.

"Hiện, chúng tôi cần nghĩ liệu cuộc chiến thương mại này có biến thành một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế hay không. Chúng tôi hi vọng là không", bà Jing Ulrich, phó chủ tịch tại châu Á - Thái Bình Dương của J.P. Morgan Chase, cho biết.

"Vẫn còn khả năng hai bên có thể quay lại bàn đàm phán", bà nói hôm 20/9, trong cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diển ra ở Thiên Tân, Trung Quốc.

"Và vẫn có hi vọng một số hòa giải theo hình thức nào đó có thể đạt được, và chúng ta đều biết nếu chiến tranh thương mại diễn ra, hai bên đều thiệt hại. Không ai trên thế giới được hưởng lợi.

Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách trong nước vì áp thực bên ngoài.

Vấn đề nằm ở lĩnh vực công nghệ vì cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn dẫn đầu. Trung Quốc là người tiên phong trong rất nhiều mảng", bà Ulrich phát biểu.

jpmorgan mot cuoc chien tranh lanh ve kinh te co the dang den gan
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images.

"Đi trước Mỹ 5 năm"

Bắc Kinh đang trong nỗ lực kéo dài nhiều năm để chuyển đổi tăng trưởng quốc gia sang phụ thuộc vào tiêu thụ, thay vì sản xuất. Chính phủ Trung Quốc cũng đã triển khai chương trình "Made in China 2025" để khuyến khích cải tiến công nghệ nội địa.

"Tôi nhận thấy Trung Quốc đã đi trước Mỹ 5 năm khi nói về việc hội nhập số hóa vào nền kinh tế", Arun Sundarajan, giáo sự tại trường đại học kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết trong buổi thảo luận hôm thứ Năm (20/9).

Tuy nhiên, ông nói thêm, Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Ông cũng lưu ý rằng, Nhật Bản vượt qua cả hai quốc gia trong phát triển robot công nghiệp.

Chính quyền ông Trump đang nhắm tới kế hoạch "Made in China 2025" trong số những phàn nàn chống lại người khổng lồ châu Á. Đợt thuế quan mới nhất áp lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9 với thuế suất 10%, trước khi lên đến 25% vào ngày 1/1/2019.

Bắc Kinh lên kế hoạch áp thuế trả đũa lên 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc với thuế suất là 10% và 5%.

Hôm 19/9, các chuyên gia phân tích của J.P. Morgan dự báo thuế quan sẽ khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm 0,6 điểm phần trăm. Sự chậm lại này làm gia tăng áp lực tiêu cực đang tồn tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nợ của Bắc Kinh, và chuyển đổi sang nền kinh thế tăng trưởng nhờ tiêu thụ.

"Điều này không dễ dàng. Đường đi sẽ rất gập gềnh", bà Ulrich nhận định.

Xem thêm

Lyly Cao