IMF: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 giảm do căng thẳng thương mại
Các container hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác được bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 16/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,8% và gây nhiều thiệt hại hơn trong những năm tới.
Đầu năm nay, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ mất 0,5% trong năm tới do tác động từ các mức thuế quan.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của IMF ngày 12/9, người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết những căng thẳng thương mại, trong đó có Mỹ-Trung, bắt đầu tác động đến kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó hoạt động chế tạo sụt giảm chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
IMF trước đó dự báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các bất đồng thương mại khác đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Ông Rice cho rằng những căng thẳng thương mại không chỉ là một mối đe dọa, mà đang thực sự bắt đầu làm giảm sút động lực của nền kinh tế toàn cầu.
Theo người phát ngôn IMF, định chế toàn cầu này dự kiến công bố báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới trong tháng tới. Khi được hỏi về nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu, ông Rice cho rằng báo cáo mới sẽ cho thấy những đánh giá rõ ràng.
Ông nhấn mạnh đến việc IMF sử dụng những từ ngữ như "rất bấp bênh," "rất mong manh" và "dễ vỡ" khi đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia phân tích kinh tế Mark Hamrick tại công ty tư vấn tài chính tiêu dùng Bankrate cho biết dự báo mới của IMF phản ánh thái độ hoài nghi về khả năng Washington và Bắc Kinh sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại.
Theo chuyên gia này, những đánh giá của IMF cũng có nguy cơ làm dấy lên lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái sau 11 năm tăng trưởng mạnh.
Trong một cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin Anh Reuters tiến hành, gần 80% trong số 60 chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ duy trì ở mức độ hiện nay hoặc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới.
Những chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong ít nhất 2 năm tới.
Theo kết quả thăm dò, 45% các chuyên gia được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 2 năm tới và 30% dự báo nguy cơ này trong 12 tháng tới.
Về khả năng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp tuần tới, hơn 85% số người được hỏi trả lời rằng điều này sẽ xảy ra.
Chuyên gia kinh tế cấp cao tại TD Economics, ông James Orlando nhận định Fed sẽ hạ lãi suất với lý do động thái này giúp duy trì động lực tăng trưởng cũng như tránh để kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong bối cảnh một số rủi ro về thương mại bắt đầu lộ diện và tác động đến nền kinh tế số một thế giới này.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang từ tháng 7/2018, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Mới nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ.