Ifo: Lạm phát của Đức đã 'lập đỉnh'
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo) của Đức cho biết, mặc dù giá thực phẩm vẫn có thể tăng, nhưng giá các sản phẩm tiêu dùng ở Đức có thể sẽ giảm trở lại vào nửa cuối năm 2022 sau nhiều tháng lạm phát.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của Ifo, số các công ty thương mại có ý định tăng giá trong quý tiếp theo đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Người đứng đầu bộ phận phân tích và dự báo chu kỳ kinh doanh của Ifo, ông Timo Wollmershäuser, nhận định: “Giá có thể tiếp tục tăng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Điều đó có nghĩa là lạm phát đã lập đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối năm”.
Ông Wollmershäuser cho biết lĩnh vực xây dựng và công nghiệp đã chứng kiến mức giảm rõ rệt nhất. Tuy nhiên, giá cả trong những lĩnh vực tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, như khách sạn, nghỉ dưỡng, văn hóa và giải trí, vẫn có khả năng tăng nhẹ. Theo Viện Ifo, riêng lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, chưa có dấu hiệu chấm dứt lạm phát, khi tất cả các công ty trong cuộc khảo sát đều muốn tăng giá.
Lạm phát cơ bản của Đức trong tháng 6/2022 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 7,9% trong tháng 5/2022. Dự báo lạm phát trong tháng 7/2022 là 7,6%.
Trước đó, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) nhận định rằng tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 giảm chủ yếu là do chính sách giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện công cộng 9 euro/tháng của Chính phủ Đức.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá năng lượng nhập khẩu liên tục tăng và niềm tin của người tiêu dùng yếu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 20/7 đã thông báo hạ dự báo tăng trưởng của Đức xuống 1,2% vào năm 2022 và chỉ còn 0,8% trong năm 2023.