|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IEA: Tiêu thụ than đá lập kỷ lục mới ở Ấn Độ và Trung Quốc

23:27 | 20/12/2021
Chia sẻ
Báo cáo mới nhất của IEA cho thấy, tiêu thụ than đá và sản lượng điện than của Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều đạt kỷ lục mới trong năm 2021, bất chấp những lời cam kết về hạn chế phát thải của chính phủ hai nước.
IEA: Tiêu thụ than đá lập kỷ lục mới ở Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Một tổ hợp nhà máy điện than tại Hồ Nam phả khói mờ mịt lên bầu trời. (Ảnh: Huangdan2060).

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ giảm sản xuất điện từ than đá - loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới, đồng thời thúc giục hai nước thực hiện các cam kết về khí hậu đưa ra trước đó.

IEA nhấn mạnh, Bắc Kinh và New Delhi đang "nắm giữ chìa khóa cho nhu cầu than đá trong tương lai". Hiện tại, hai nhà sản xuất than lớn nhất thế giới đang có tổng cộng gần 3 tỷ dân và chiếm hơn 66% nhu cầu than đá toàn cầu.

Cả hai nước đều bị chỉ trích nặng nề tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 hồi tháng trước vì không hoàn thành các cam kết về tiêu thụ than đá. Hơn nữa, trong hai thập kỷ tới, thay vì tiến tới "loại bỏ than đá", chính phủ hai nước lại chuyển sang "giảm dần" sử dụng than đá. Đây là một bước đi lùi cho chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Keisuke Sadamori, Giám đốc bộ phận thị trường và an ninh năng lượng của IEA, bày tỏ: "Các cam kết đạt mức phát thải ròng của nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, cần phải đề cập rõ ràng đến than đá.

Đến nay, những hứa hẹn này chưa thể xuất hiện dưới dạng dữ liệu cụ thể trong dự báo ngắn hạn của chúng tôi, điều đó phản ánh cách biệt lớn giữa tham vọng và hành động của cộng đồng quốc tế".

Theo oilprice.com, những lời chỉ trích của ông Sadamori còn đi kèm với báo cáo tiêu thụ than đá thường niên của IEA. Bản báo cáo tiết lộ sản lượng điện than toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục mới năm 2021.

Trung Quốc, Ấn Độ vẫn "ngốn" than đá

Sau khi giảm trong hai năm 2019 và 2020 trong bối cảnh chính phủ các nước mạnh dạn theo đuổi năng lượng tái tạo cũng như do nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản lượng điện than toàn thế giới sẽ tăng 9% trong năm nay lên mức đỉnh mới là 10.350 terawatt giờ (TWh)

Đà tăng của điện than được thúc đẩy bởi tốc độ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển G20. Nhu cầu điện năng đã tăng nhanh hơn so với khả năng cung ứng của các nguồn điện tái tạo, oilprice.com giải thích.

Ngoài ra, giá khí đốt tự nhiên phi mã cũng làm tăng nhu cầu điện than, vì giá than vốn cạnh tranh hơn so với khí đốt.

Báo cáo của IEA còn nêu rõ, nhu cầu than toàn cầu, bao gồm cả lượng than dùng trong các ngành khác không tính sản xuất điện như luyện thép và sản xuất xi măng cũng được dự báo tăng 6% trong năm 2021.

Mức tăng trên sẽ không vượt qua mốc kỷ lục của năm 2013 và 2014, nhưng thời tiết diễn biến bất thường và triển vọng tăng trưởng kinh tế có thể kéo nhu cầu than đá lên mức đỉnh mới ngay vào đầu năm 2022 và duy trì ở mức đó trong hai năm tới.

IEA một lần nữa thúc giục chính phủ các nước can thiệp để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C trong thập kỷ hiện tại.

Giám đốc điều hành Fatih Birol của IEA nhấn mạnh: "Than đá là nguồn phát thải carbon lớn nhất hiện nay. Sản lượng điện than kỷ lục trong năm nay là một dấu hiệu đáng lo, cho thấy chúng ta đang đi chệch hướng so với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 như thế nào".

Hơn một nửa sản lượng điện than nằm ở Trung Quốc. Dù giảm tốc vào khoảng cuối năm, công suất điện than tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được IEA dự báo sẽ tăng khoảng 9% trong năm 2021.

Trong khi đó, sản lượng điện than ở Ấn Độ được dự báo tăng khoảng 12%. Cứ đà này, công suất nhiệt điện than sẽ thiết lập kỷ lục mọi thời đại ở cả hai quốc gia, ngay cả khi họ bắt đầu tăng cường sản xuất điện mặt trời và điện gió.

Hiện, Trung Quốc và Ấn Độ đã hứa hẹn sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào năm 2060 và 2070.

Khả Nhân