ICO: Giá cà phê tiếp tục tăng do căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng
Mức tăng giá chưa từng có trên thị trường cà phê trong năm qua đã được phản ánh qua sự biến động các chỉ số thống kê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), được tóm tắt trong báo cáo hàng tháng mà tổ chức có trụ sở tại London này công bố mới đây.
Chỉ số giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã tăng thêm 10,7% trong tháng 12, lên mức 299,6 US cent/pound - mức cao nhất kể từ tháng 4/1977.
Trong 10 ngày đầu tháng, có đến 9 ngày liên tiếp, giá cà phê trung bình hàng ngày vượt ngưỡng 3 USD/pound, đạt đỉnh 312,8 US cent/pound vào ngày 10/12.
Giá cà phê sau đó quay đầu giảm trong 10 ngày cuối cùng của tháng và kết thúc năm 2024 ở mức 291,1 US cent/pound. Dù vậy mức giá này vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 270,7 US cent/pound của tháng 11 và mức 277,7 US cent/pound được ghi nhận vào ngày 3/12.
Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê arabia đều ghi nhận mức tăng hai chữ số trong tháng vừa qua như: arabica Colombia tăng 11,3% lên 341 US cent/pound, arabica Brazil tăng 14,5% và đứng ở mức 326,9 US cent/pound, nhóm arabica khác tăng 12,6%, đạt 343,3 US cent/pound.
Còn với cà phê robusta, giá điều chỉnh tăng 4,7% lên mức trung bình 236,7 US cent/pound.
Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 12/2023 đến tháng 12/2024 (ĐVT: US cent/pound)
Trên thị trường kỳ hạn New York, giá cà phê arabica tăng 14,4% và đạt trung bình 317 US cent/lb; trong khi giá robusta tại sàn London tăng 5,5%, lên mức 226,3 US cen/pound trong tháng 12.
Mức chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn London và New York, đã tăng 44,9% lên 90,7 US cent/pound vào tháng 12, mức cao nhất trong 27 tháng. Sự đảo chiều này chủ yếu do giá arabica tăng nhanh hơn nhiều so với robusta.
Theo ICO, chênh lệch giá arabica với robusta được nới rộng và arabica tăng với tốc độ nhanh hơn có thể khiến các nhà rang xay sử dụng nhiều cà phê robusta hơn trong các hỗn hợp của họ, giúp họ tránh phải sử dụng đến các loại cà phê chất lượng thấp hơn.
Như vậy, tính từ tháng 1 đến tháng 12, chỉ số giá cà phê toàn cầu theo thống kê của ICO đã tăng gần 70%. Trong đó, arabica Brazil ghi nhận mức tăng lớn nhất là 82,3%. Tiếp đến là nhóm arabica khác và arabica Colombia tăng lần lượt tăng 68,9% và 65,8%. Còn với robusta, mức giá trung bình hàng tháng tăng 59,4%.
Áp lực tài chính, khó khăn về logistics và các vấn đề địa chính trị đã góp phần khiến cho toàn bộ chuỗi cung ứng cà phê luôn trong trạng thái căng thẳng, đẩy giá tăng cao trong tháng cuối năm 2024.
Báo cáo của ICO cho biết: “Giá cao kết hợp với đồng USD mạnh đã gây ra những vấn đề tại các nguồn cung cấp, vì điều này làm tăng đáng kể chi phí tài chính cho các hoạt động thị trường. Hai công ty xuất khẩu lớn của Brazil, chiếm gần 1/10 doanh số bán cà phê arabica của nước này, đã phải yêu cầu tòa án địa phương thêm thời gian để đàm phán với các chủ nợ nhằm tránh phải nộp đơn xin phá sản.”
Đồng USD mạnh lên cũng dẫn đến giá cao hơn khi tính theo đồng GBP và EUR – gây áp lực lên các nhà nhập khẩu và rang xay ở phương Tây. Do đó, những người tham gia vào quá trình chế biến cà phê sẽ phải tăng giá trong chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí đến người tiêu dùng cuối cùng.
Bên cạnh đó, giá thị trường tăng đã buộc các nhà môi giới đưa ra yêu cầu ký quỹ đối với khách hàng của họ. Điều này làm trầm trọng thêm tình hình vốn đang căng thẳng do sự chậm trễ tại các cảng, khiến chi phí hoạt động cao hơn.
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) đã báo cáo rằng các nhà xuất khẩu cà phê đã chi hơn 7 triệu BRL cho không gian lưu trữ bổ sung và phí cảng do sự kém hiệu quả của thị trường địa phương.
Colombia cũng đang phải đối mặt với các thách thức về hậu cần vì tình trạng thiếu container và hạn chế về không gian trên tàu – vào thời điểm quan trọng trong mùa vụ chính và giá cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
"Thời gian vận chuyển kéo dài tới các điểm đến ở châu Âu tiếp tục gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Cà phê phải mất nhiều thời gian vận chuyển hơn vì giao thông qua kênh đào Suez vẫn bị hạn chế nghiêm trọng". Báo cáo của ICO cũng nhấn mạnh rằng việc vận chuyển cà phê từ các quốc gia sản xuất ở châu Á tới các thị trường tiêu dùng tại châu Âu ngày càng chậm và tốn kém hơn.
Mặt khác, áp lực từ việc triển khai Quy định Chống Phá rừng (EUDR) sắp tới đối với cà phê đã khiến chỉ số I-CIP giảm từ 311,5 US cent/pound vào ngày 18/12 xuống còn 299,8 US cent pound/lb vào ngày 19/12, sau khi Hội đồng châu Âu chính thức thông qua quy định hoãn áp dụng EUDR.
Ngày 17/12, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận chính trị tạm thời với Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu để hoãn việc áp dụng EUDR. Các nhà điều hành và thương nhân lớn giờ đây sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ của quy định này kể từ ngày 30/12/2025, và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ ngày 30/6/2026.
Việc Hội đồng châu Âu chính thức thông qua đã đánh dấu bước cuối cùng trong quy trình lập pháp thông thường. Quy định này đã được công bố trên Tạp chí Chính thức của EU vào ngày 27/12.
Cũng theo báo cáo của ICO, lượng tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London đã tăng 13,3% trong tháng cuối cùng của năm 2024 và kết thúc năm ở mức 0,73 triệu bao (loại 60 kg/bao). Tương tự, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận cũng tăng 7,8% trong tháng 12, lên 1,03 triệu bao.
Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến cuối tháng 12/2024
Bất chấp những khó khăn này, xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Vào tháng 11/2024, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt gần 10,9 triệu bao, tăng 2,4% so với 10,6 triệu bao cùng kỳ năm trước. Luỹ kế trong hai tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025 (tháng 10/2024 đến tháng 11/2024), xuất khẩu đạt 21,85 triệu bao, tăng 7,8% so với cùng kỳ niên vụ 2023-2024.