|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ICAEW: Kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi tươi sáng nhất Đông Nam Á

14:58 | 10/09/2020
Chia sẻ
ICAEW dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á giảm 4,2% vào năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam hứa hẹn sẽ là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay với GDP tăng 2,3% trong năm 2020 và 8% vào năm 2021.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu từ Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) được  Oxford Economics công bố hôm nay, dữ liệu mới đây cho thấy giai đoạn phát triển sau lệnh đóng cửa được dỡ bỏ đã diễn ra mạnh mẽ và cho thấy mức tăng GDP ấn tượng trong quí III.

Kinh tế thế giới quí IV/2020 co cụm

Tuy nhiên, một số ngành đã có những hiệu cho thấy đang bắt đầu mất đi đà tăng trưởng. Do đó, Oxford Economics đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,4% thay vì dự báo mức 5,8% hồi tháng trước. Đồng thời báo cáo cho thấy GDP thế giới dự kiến giảm 4,4% trong năm 2020 này.

Quốc gia Đông Nam Á nào có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất năm 2020? - Ảnh 1.

Dự báo quí IV/2020, tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại đáng kể (Ảnh minh họa: Iriss).

Theo báo cáo, dữ liệu các tháng gần đây đã gây bất ngờ vì sự tăng trưởng. Tổ chức này dự đoán GDP có mức giảm mạnh trong quí II sẽ đảo ngược vào quí III. Nghĩa là quí III năm nay được mong chờ sẽ tạo ra những dấu ấn tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu.

Hết quí III, tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại đáng kể. Sau đợt tăng mạnh giai đoạn đầu, doanh số bán lẻ sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí có thể bị thu hẹp lại. Điều này phản ảnh một phần thay đổi cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình khi một số dịch vụ hoạt động trở lại.

Báo cáo chỉ rõ, chỉ số đo lường tâm lí người tiêu dùng ở các nước phát triển giảm hai tháng liên tiếp kéo dài đến tháng 8. Điều này thể hiện một số hộ gia đình đang thận trọng trong chi tiêu. Do đó các biện pháp hỗ trợ tài khóa của chính phủ cho người dân dường như không hiệu quả. Đầu tư theo đó phục hồi cũng khá yếu khi ngân hàng mong muốn thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng và một số công ty bắt đầu hoàn tiền đã vay trong giai đoạn lệnh đóng cửa.

Dự đoán GDP sẽ tăng trưởng 5,4% cho năm 2021, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm dự báo hồi tháng trước vì Oxford cho rằng vắc xin COVID-19 sẽ khó lưu hành rộng rãi cho đến giữa năm 2021, các biện pháp cách li xã hội từ đó cũng sẽ kéo dài hơn.

Việt Nam - nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, tổ chức kế toán điều lệ ICAEW cho rằng triển vọng phục hồi sáng sủa nhất có lẽ thuộc về Việt Nam. ICAEW cho biết thêm Việt Nam dự kiến sẽ là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng tích cực trong năm nay với GDP tăng 2,3% trong năm 2020 và 8% vào năm 2021.

Quốc gia Đông Nam Á nào có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất năm 2020? - Ảnh 2.

Việt Nam dự kiến sẽ là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng tích cực trong năm nay với GDP tăng 2,3% trong năm 2020 và 8% vào năm 2021 (Ảnh minh họa: Asia News Network).

Về tổng thể, ICAEW dự kiến tăng trưởng GDP của Đông Nam Á sẽ giảm 4,2% vào năm 2020. Lí do là sức mạnh phục hồi kinh tế của khu vực này trong những quí tới, đặc biệt là quí IV vẫn chưa chắc chắn.

Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á cho biết: "Con đường phục hồi của các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ còn rất dài, đi kèm đó là căng thẳng Mỹ - Trung, hoạt động thương mại toàn cầu chậm lại trong thời gian dài và sự tiếp diễn của COVID-19 đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của khu vực này".

Nền kinh tế mỗi khu vực đều trải qua khủng hoảng nhưng mức độ khủng hoảng sẽ khác nhau. Cuối cùng, quốc gia nào cân bằng được giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và giữ cho dịch không bùng phát sẽ là quốc gia vụt sáng nhanh hơn những quốc gia còn lại.

Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á

ICAEW đưa ra dẫn chứng các nền kinh tế đã có "màn trình diễn" thuyết phục ngăn chặn được dịch bùng phát là Thái Lan và Việt Nam. 

Báo cáo cho rằng hai nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn Indonesia và Philippines, đây là những quốc gia đang phải chống chọi với làn sóng bùng phát COVID-19 mới sau khi sớm nới lỏng các hạn chế.

Khả năng phục hồi của các nước Đông Nam Á có sự khác biệt

Báo cáo của Oxford Economics chỉ ra rằng nền kinh tế của cả Indonesia và Philippines vẫn rất dễ bị tổn thương vì họ có cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu hơn, mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn so với các nước khác trong khu vực.

Quốc gia Đông Nam Á nào có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất năm 2020? - Ảnh 4.

Tốc độ phục hồi của các nước Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ khác nhau. (Ảnh minh họa: Southeast Asia Globe).

Tốc độ phục hồi ở Indonesia dự kiến sẽ chậm lại và thu nhập hộ gia đình sẽ bị siết chặt. GDP dự kiến sẽ co cụm 2,7% vào năm 2020 trước khi tăng 6,2% trở lại vào năm 2021.

Trong khi đó, Philippines dự đoán sẽ ghi danh vào quốc gia ở Đông Nam Á có mức độ suy giảm mạnh nhất, với GDP giảm 8,2% năm 2020, sở dĩ nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế và chậm trễ phục hồi sau lệnh mở cửa.

Malaysia có sự khác biệt khi xuất khẩu nước này được dự đoán sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu hàng của Trung Quốc cải thiện. 

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của Malaysia có thể sẽ chậm lại do cầu thế giới đang yếu đi, cùng với tỉ lệ thất nghiệp trong nước cao và đầu tư suy yếu. Dự kiến nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ giảm 6% trong năm nay, sau đó tăng trưởng 6,6% vào năm 2021.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Minh Hằng