Hoài Linh hay CEO Phương Hằng đều thích chơi kim cương: Hột xoàn có 'ma lực' gì mà thu hút giới nhà giàu đến vậy?
Bà Nguyễn Phương Hằng hôm 25/5 lại thêm một lần nữa khiến mạng xã hội bùng nổ với những chia sẻ những "bí mật" trong giới showbiz, đặc biệt là câu chuyện xoay quanh việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm trễ trong việc chuyển tiền ủng hộ đến đồng bào miền Trung.
Về vấn đề này, phía nghệ sỹ Hoài Linh cũng đã liên tục đưa ra những thông báo, video cho giới truyền thông để giải thích nguyên nhân tại sao số tiền quyên góp hơn 14 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng sau hơn 6 tháng quyên góp.
Mặc dù gây xôn xao dư luận bằng những màn "đấu khẩu" nhưng ít ai để ý cả hai "nhân vật nổi tiếng" này lại có cùng sở thích chung là chơi kim cương.
Xuất hiện trên những buổi livestream mới đây, bà Nguyễn Phương Hằng, CEO của Đại Nam Corp, luôn mang trên mình những bộ trang sức khủng, mỗi buổi ghi hình một bộ trang sức kim cương mới.
Bà Hằng từng tuyên bố: "Nếu nói về tài sản, thì 500, 700 triệu đô đến 1 tỷ đô tôi có… Mỗi lần tôi xuất hiện sẽ có một bộ trang sức khác. Kim cương của tôi lên đến hàng kí... Tất cả các hiệu kim cương ở nước ngoài đều biết mặt tôi hết…"
Bà Hằng được cho là người đam mê sưu tập đồ trang sức. Mỗi lần xuất hiện ở sự kiện hay trên mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng lại khiến người ta phải choáng ngợp trước những món trang sức khủng mà mình sở hữu.
Ngoài vàng, đá quý và kim cương là những món trang sức được bà Hằng ưa chuộng. Hầu như chiếc nhẫn hột xoàng nào mà CEO Đại Nam Corp đeo cũng lớn và giá trị chắc chắn không hề nhỏ, thậm chí có thể lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.
Bà Phương Hằng có sở thích với nhiều trang sức kim cương, đá quý bản lớn. (Ảnh: Facebook NV).
Cũng có "thú chơi kim cương", từng tiết lộ "kim cương đong bằng lon" nhưng nghệ sĩ Hoài Linh lại không mấy khi xuất hiện với những đồ trang sức kim cương trên người.
Với hơn 30 năm trong nghề, Hoài Linh sở hữu khối tài sản không hề nhỏ, tuy nhiên danh hài này thường xuất hiện với hình ảnh bộ quần áo bà ba, đôi dép lê cùng các món ăn dân dã như khô, mắm... chứ không xài hàng hiệu, xe sang.
"Tôi khờ, tôi bình dân nhưng không có nghĩa là không biết xài, nhiều khi không muốn xài thì sao. Thực ra tôi xài kim cương từ lâu, người ta có mình cũng có, điều quan trọng là mình thích hay không thích. Có nhiều trường hợp hột xoàn đong bằng lon nhưng người ta tuyệt nhiên không mang một cái nào trên người", Hoài Linh từng nói trong một bài phỏng vấn.
Ông từng cho biết mình là người "dạy" ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chơi kim cương đồng thời hào phóng tới mức tặng Đàm Vĩnh Hưng hẳn 2 viên kim cương.
Vì sao nhiều người lại thích kim cương đến vậy?
Ngày nay, kim cương không hẳn là loại đá hiếm và sản lượng khai thác mỗi năm đều tăng lên nhưng tại sao kim cương luôn sở hữu mức giá đắt đỏ và khiến nhiều người mê mệt tới vậy?
Trong tự nhiên, để hình thành được được kim cương cần rất nhiều thời gian, đến hàng triệu thậm chí hàng tỷ năm. Loại đá quý này hình thành trong lòng đất, ở độ sâu khoảng 140km - 220km, tầm nhiệt dao động từ 1150 – 1200 độ C và áp suất vào khoảng 50 – 70 kilobars. Cùng với đó, điều kiện khai thác khó khăn và yêu cầu sàng lọc nhiều lần là yếu tố khiến cho giá kim cương rất cao.
Không những thế, từ lâu kim cương đã được xem làm loại trang sức có sức hút, là biểu tượng của sự vĩnh cửu trong tình yêu, được nhiều người săn đón.
Với ý nghĩa vĩnh cửu và cái giá đắt đỏ, kim cương trở thành một thứ mà giới nhà giàu thường dùng để thể hiện đẳng cấp và giàu có của mình, một số người thì lại xem đó như một khoản đầu tư tương tự vàng hoặc đá quý khác.
Bên cạnh những lĩnh vực đầu tư sinh lời cố định hoặc đầy biến động như thị trường chứng khoán, giới nhà giàu thường có xu hướng chi tiền cho những thứ mà họ có thể tận hưởng được nhiều hơn như xe hơi, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật, trang sức và dĩ nhiên trong đó có cả kim cương - một món trang sức có khả năng sinh lời cao.
Hình ảnh bà Phương Hằng sử dụng các bộ trang sức khác nhau trong các sự kiện. (Ảnh: Facebook NV)
Tháng 10/2020, một viên kim cương trắng siêu quý hiếm trọng lượng 102 carat được nhà đấu giá Sotherby's bán được với giá 15,7 triệu USD. Sotheby's mô tả viên kim cương này "hoàn mỹ" và "khó có thể phóng đại độ quý hiếm và vẻ đẹp của nó".
Với việc du lịch bị đóng băng do đại dịch COVID-19, người giàu Mỹ có xu hướng mua trang sức, đặc biệt là kim cương nhiều hơn. Vì là nhóm người có thu nhập ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh và khối tài sản dư thừa cao, dễ hiểu vì sao tầng lớp giàu có ở Mỹ lại chọn kim cương để đầu tư giữa thời buổi dịch bệnh hoành hành.
"Ở tất cả thị trường, thứ cạnh tranh nhiều nhất với ngành kim cương chính là du lịch", Stephen Lussier, Phó chủ tịch của De Beers, hãng khai thác kim cương lớn nhất thế giới, cho biết.
Ông Stephen cho rằng điều lãng mạn nhất mà nhiều người thường làm khi tổ chức lễ cưới, lễ kỷ niệm là đi du lịch. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh khiến người người phải ở trong nhà thì trang sức làm từ kim cương đang được xem là giải pháp thay thế.
Tại Mỹ, trong năm 2020, thương hiệu trang sức kim cương Forevermark của De Beers đã đạt con số tăng trưởng ở mức hai con số.