Mỏ vàng từ 'bãi rác iPhone'
12 năm trước, Eliza Walter đang theo học thiết kế tại một trường đào tạo ở Anh khi cô nghe tới khái niệm “khai thác điện tử” (e-mining), quy trình lấy lại kim loại quý từ rác thải điện tử. Trong một chuyến đi tới một xưởng đúc địa phương ở Melton Mowbray, người chủ đã nói với Walter và các học sinh khác rằng vàng được khai thác từ lòng đất song cũng có cách để lấy được vàng từ bãi rác.
Sau khi nghiên cứu về rác thải điện tử và hoàn thành một khoá học tại Holts Academy, bà Walter bắt đầu kinh doanh trang sức trực tuyến vào năm 2017. Đến nay, bà thực hiện thiết kế các mẫu trang sức sau đó được 30 người thợ bán thời gian sản xuất sử dụng vàng từ rác thải điện tử và rác thải nha khoa.
Theo NYTimes, các thương hiệu trang sức lớn nhỏ đều đang bắt đầu tìm đến rác thải điện tử như điện thoại di động, laptop, máy chơi game hay chip đồ hoạ để tìm kiếm kim loại quý bên ngoài hình thức khai thác truyền thống. Vàng và kim loại quý thường được dùng trong các thiết bị điện tử vì tính dẫn điện tốt và mức độ hao mòn thấp. Trong khi đó, việc tái chế sẽ giúp làm giảm hoạt động khai thác truyền thống, từ đó giảm tác động đến môi trường.
Năm 2020, một trong những công ty trang sức lớn nhất thế giới, Pandora, khẳng định tất cả trang sức của hãng này sẽ được sản xuất từ vàng, bạc tái chế cho tới thời điểm năm 2025. Trong báo cáo thường niên của hãng này vào năm 2020, tỷ lệ tái chế rác thải điện tử hiện còn rất thấp. Tại Châu Âu, tỷ lệ này là 40%, trong khi đó, tại Châu Á, tỷ lệ thậm chí còn thấp hơn ở mức 10%.
“Luôn ở đó chờ được sử dụng”
Rác thải điện tử “là một tài nguyên tuyệt vời và luôn ở đó chờ được sử dụng”, bà Kim Parker, biên tập viên mảng trang sức tại Harper’s Bazaar (Anh), nói. “Một phần của vấn đề là công nghệ và nguồn lực để có thể xử lý được chúng”, bà chia sẻ thêm.
Royal Mint, một công ty chuyên sản xuất tiền xu thuộc sở hữu của chính phủ Anh, đang giải quyết bài toán này. Vào cuối năm 2021, Royal Mint công bố hợp tác với một startup Canada có tên Excir để trích xuất kim loại từ các sản phẩm công nghệ bỏ đi.
Từ tháng 3, Royal Mint bắt đầu xây dựng một nhà máy ở ở South Wales. Khi hoàn thành vào năm 2023, nhà máy này có thể xử lý 90 tấn rác thải điện tử mỗi tuần.
Sean Millard, giám đốc tăng trưởng của Royal Mint, chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng sự hợp tác của 2 bên có mục tiêu cuối cùng là biến chúng thành một nhà sản xuất với khả năng sản xuất các nguyên liệu cho các công ty trang sức Anh muốn tìm nguồn nguyên liệu tại Anh và các thương hiệu quốc tế muốn sản xuất tại Anh.
Hướng tới tương lai
Một số công ty trang sức nhỏ nói rằng vẫn cần thêm các cải tiến mới trong việc trích xuất kim loại quý từ rác thải điện tử. Ví dụ, ở công ty Lylie, vàng từ khoảng 17,5 chiếc iPhone mới đủ để làm một chiếc vòng tay cưới.
Bà Walter nói rằng bà từng gặp một khách hàng “gặp bạn gái trên ứng dụng hẹn hò và anh muốn dùng vàng từ chính chiếc điện thoại đã giúp họ kết nối với nhau để làm nhẫn cưới”. Bà không thể biến mong muốn này thành hiện thực song đó là điều mà muốn mình có thể thực hiện được trong tương lai.
Tái chế điện thoại di động là thứ thương hiệu trang sức Hà Lan NoWa đã thực hiện ở thời điểm hiện tại. Josette de Vroeg, người sáng lập NoWa, đã mất khoảng 2 năm và 15.000 Euro, để tìm một nhà máy có thể tái chế điện thoại và trích xuất kim loại quý để có thể bắt đầu mô hình kinh doanh của mình.
Tại Place Vendôme, Paris, trung tâm trang sức cao cấp của thế giới, e-mine cũng đã được quan tâm từ năm 2018 khi thương hiệu trang sức Courbet ra mắt. Được Manuel Mallen và Marie-Ann Wachtmeister sáng lập, Courbet cũng nhận được đầu tư từ Chanel.
“Ngay từ đầu, ý tưởng của chúng tôi là tạo ra thương hiệu trang sức sinh thái đầu tiên của Place Vendôme”, ông Manuel Mallen chia sẻ. “Và trong bất kỳ một món đồ trang sức nào, có 2 thành phần quan trọng: kim cương và vàng. Ngay từ đàu, chúng tôi đã muốn dùng vàng tái chế”, ông chia sẻ thêm. Courbet cũng dùng kim cương được tạo ra từ phòng thí nghiệm.
“Tôi cho rằng yếu tố sinh thái đang hiện diện mọi nơi”, ông Mallen nói và chia sẻ rằng các món trang sức bán chạy nhất của ông là nhẫn đính hôn và vòng tay cưới từ các khách hàng 25 đến 35 tuổi. Đây là những người lớn lên với sự quan tâm dành cho môi trường.
“Họ không muốn ăn mừng một điều gì đó quan trọng với bản thân nhưng lại có vàng hay kim cương làm hại trái đất”, ông chia sẻ.