Từ trường hợp PNJ, cổ phiếu cơ bản tốt đâu phải lúc nào cũng đứng vững trên thị trường
Trong phiên 4/7, VN-Index có thời điểm rớt mốc 900, may mắn thay sau đó đã phục hồi. So với thời điểm cuối quý I, VN-Index bốc hơi 25%, tâm lý bi quan của nhà đầu tư bao trùm thị trường.
Không thể phủ nhận các yếu tố tác động của thế giới như Fed tăng lãi suất, chiến tranh thương mại, giảm giá đồng nhân dân tệ hay ở Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài bán ròng…, nhưng một phần nguyên nhân có lẽ từ việc các nhà đầu tư đang phản ứng thái quá.
PNJ 3 tháng giảm giá 42%, vì đâu nên nỗi?
Không ít cổ phiếu cơ bản tốt mặc dù đã giảm mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn bị bán không thương tiếc, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) là một điển hình. Hiện PNJ dao động quanh 80.000 đồng/cp, so với đỉnh cuối tháng 3, PNJ giảm khoảng 42%, gần gấp đôi mức giảm của VN-Index.
Diễn biến giá cổ phiếu PNJ 3 tháng trở lại đây |
Từng có thời gian "nằm sàn" nhiều phiên liên tiếp sau sự cố cựu thành viên HĐQT PNJ Nguyễn Thị Cúc bị điều tra về việc thiếu trách nhiệm trong thời gian công tác tại Ngân hàng Đông Á.
Đích thân Chủ tịch PNJ – bà Cao Thị Ngọc Dung phải lên tiếng trấn an cổ đông rằng việc bà Cúc bị điều tra không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PNJ, cổ phiếu này mới hồi phục trở lại. Báo cáo các công ty chứng khoán nhận định sự cố chỉ tác động trong ngắn hạn.
Song đà giảm sau đó mới thực sự đáng nói, những cú sụt sâu đưa PNJ từ 120.000 về 76.000 đồng/cp, giảm 37% chỉ trong nửa cuối tháng 6. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ PNJ hoang mang, nhìn tài khoản bốc hơi mà không thực sự hiểu nguyên nhân tại sao.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng, lũy kế 5 tháng đầu năm, PNJ đạt tổng doanh thu 6.489 tỷ đồng, tăng trưởng 34%. Doanh thu bán lẻ trang sức chiếm 73% tỷ trọng tổng doanh thu, tăng 37%; lã trước thuế 530 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch.
Kế hoạch 2018 với doanh thu 13.727 tỷ đồng, lãi sau thuế 882 tỷ đồng. Công ty muốn nâng số lượng cửa hàng PNJ cuối năm 2018 lên 310, mục tiêu đạt 400 cửa hàng vào 2021 và 440 vào 2022.
Thị trường trang sức vẫn được đánh giá là tiềm năng khi mà thu nhập người dân ngày một tăng cao và tín dụng tiêu dùng hỗ trợ ngày càng nở rộ.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), giá vàng thế giới được dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong giai đoạn 2018 – 2021, bình quân 2%/năm. Nhu cầu tiêu thụ vàng, trang sức tăng với tốc độ 10%/năm giai đoạn 2013 – 2017.Tỷ lệ nhóm người tiêu dùng thuộc phân khúc trung – thượng lưu ở Việt Nam được dự báo tăng từ 14% lên 34% dân số vào năm 2020...
Tiềm năng của cổ phiếu PNJ là lớn, nhưng liệu có đang được kỳ vọng quá cao? |
Vậy thì chuyện gì đang xảy ra với PNJ và nhiều cổ phiếu cơ bản khác?
Nhiều chuyên gia nhận định, đà giảm của PNJ hiện nay do nhà đầu tư quá lạc quan trước triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp này (phân tích từ số liệu Bloomberg, có thời điểm P/E của PNJ lên đến 30,7 lần, trong khi P/E trung bình lịch sử là 14 lần), sau đó thị trường sụt giảm mạnh cộng thêm tin xấu từ quốc tế cũng như tại chính doanh nghiệp ra đúng lúc, khiến nhà đầu tư sốt ruột bán bằng mọi giá.
Cơ cấu cổ đông PNJ hiện có nhiều quỹ đầu tư và tổ chức nước ngoài, trong đó LGM Investments Ltd và Route One Investment Company lần lượt nắm 4,53% và 4,06%; Dragon Capital 3,63%, các quỹ liên quan nắm 1-3%; Vietnam Investment Limited 3,45%...
Kể từ đầu năm, cũng có nhiều tổ chức nước ngoài gom PNJ như Norges Bank với gần 1,2 triệu cp; Wareham Group Limited trên 2 triệu cp; VEIL 1 triệu cp; Hanoi Investmentss Holdings Limited 700 nghìn cp... Với sự sụt giảm của PNJ, các tổ chức nói trên chịu thiệt hại không hề nhỏ.
Nhà đầu tư đang phản ứng thái quá?
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital |
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2018 (VBF), ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital cho biết: nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lo ngại về dòng vốn ngoại ra khỏi thị trường Việt Nam và chảy về nước nhưng điều đó không hẳn.
Ông Dominic cho hay, 6 tháng đầu năm nhà đầu tư rút khỏi thị trường Thái Lan 5,6 tỷ USD; Indonesia 3,7 tỷ USD; Phillipines 1,6 tỷ USD nhưng lại đầu tư tại thị trường Việt Nam 1,5 tỷ USD. Như vậy, một phần nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn tín nhiệm với môi trường Việt Nam.
Nhìn về giá trị doanh nghiệp của Việt Nam, P/E Việt Nam năm nay khoảng 10 – 12 lần, khả năng phát triển lợi nhuận và EPS của các công ty là trên 25%. Vì vậy, mặt bằng giá trị các công ty niêm yết tại Việt Nam thuộc loại khiêm tốn nếu không muốn nói là khá rẻ và hấp dẫn.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng lại cho rằng, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư ngoại rút vốn, biến động tỷ giá và thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra Trung ương… Điều này gây nên mất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Theo ông Dũng, nhà đầu tư nên có cái nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh hiện nay.
Hiện giá các cổ phiếu VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với đầu năm 2018, nhiều blue-chips giảm về đáy hơn 1 năm qua. Nếu không tính cổ phiếu Vinhomes (VHM) mới niêm yết hồi tháng 5, chỉ số P/E chung của thị trường còn 16,1 lần, thấp so với nhiều thị trường chứng khoán các nước và là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ông Dũng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện rút hết vốn; trong khi chỉ số tổng giá trị chứng khoán nắm giữ của khối ngoại trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khá an toàn.