Hoá đơn điện sinh hoạt sẽ tăng bao nhiêu sau đợt điều chỉnh giá ngày 4/5?
Chiều ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi họp báo trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện với mức tăng thêm 3%.
Liên quan đến câu hỏi sau đợt điều chỉnh này, hoá đơn tiền điện của người dân sẽ tăng thế nào, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc của EVN cho biết tác động của việc tăng giá điện đến các hộ sử dụng ở mức rất thấp.
Điển hình như tiền điện của số hộ sử dụng 200 kWh/tháng tăng 11.100 đồng/hộ. Hiện tại nhóm khách hàng có mức sử dụng 101 - 200 kWh đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Với hộ tiêu thụ nhiều, khoảng 400 kWh thì số tiền tăng thêm là 27.200 đồng/hộ. Nhóm khách hàng sử dụng 301 - 400 kWh chiếm khoảng 7,95%.
Đơn giá điện sinh hoạt bậc thang lớn nhất là 3.015 đồng/kWh, áp dụng cho lượng tiêu thụ 401 kWh trở lên.
EVN cũng đang có 1,82 triệu hộ sản xuất. Bình quân mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.
Với nhóm doanh nghiệp sản xuất, với một số ngành sử dụng nhiều điện, điển hình như thép, xi măng, giấy, theo ông Lâm, tác động việc tăng giá lần này rất thấp. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất này thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
“Việc tăng giá điện lần này tác động rất nhỏ đến nhóm sản xuất và sinh hoạt”, ông Lâm khẳng định.
Theo thống kê số liệu năm 2022, EVN đang bán điện tới 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.
Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, khách hàng nhóm này sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, lãnh đạo EVN cho biết theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, CPI sẽ tăng 0,17%; thực tế giá điện chỉ tăng 3% thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu tác động đến CPI, do đó tác động đối với nền kinh tế là không nhiều.
Đối với hoạt động kinh doanh của EVN, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết việc tăng giá điện 3%, ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm của EVN tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, giảm thiểu khó khăn về tài chính cho tập đoàn.
Đồng thời, trong nội tại EVN cũng đang tiết kiệm chi phí để giảm bớt khó khăn tài chính. Đơn cử, năm 2022, EVN tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên thì năm 2023, mức tiết kiệm chi phí tăng lên 15%. Đối với hạng mục sửa chữa lớn, năm ngoái, EVN và các đơn vị cắt giảm 30% chi phí, năm nay sẽ cắt giảm tới 40%. Bên cạnh đó, EVN cũng cắt giảm chi phí nhân công, quản trị các khoản giảm giá thành điện…
Ngoài ra, EVN tăng cường huy động các nguồn điện có giá thành rẻ và đàm phán với các nhà đầu tư nguồn năng lượng tái tạo để có sự hài hòa lợi ích giữa các bên.
Ông Nam cho biết EVN cũng sẽ làm việc các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than để giảm giá đầu vào nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện. Đối với nhiệt điện – nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện, ngoài sự cung ứng nhiên liệu từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động tìm kiếm nguồn than để đảm bảo vận hành.