|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2022

20:20 | 31/03/2023
Chia sẻ
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.236 tỷ đồng. Khoản lỗ này không tính tới thu nhập từ sản xuất khác là 10.058 tỷ đồng.

Tại buổi Họp báo Công bố Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn EVN, ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng Giá và phí (Cục Điều tiết điện lực) cho biết  tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm ngoái của EVN là trên 493.265 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. 

Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021, thấp hơn so với giá thành sản xuất, phân phối.

 Chi tiết các khoản chi phí đầu vào sản xuât, phân phối điện (Số liệu: EVN, H.Mĩ tổng hợp)

Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Do đó, khoản lỗ của EVN rút xuống còn 26.235,78 tỷ đồng.

Lý giải cho khoản lỗ này ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm ngoái giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất than tăng mạnh, trong đó giá than tăng gấp 4 lần. Giá dầu tăng gấp đôi dẫn đến giá khí cũng tăng theo. Trong khi đó, giá bán lại thấp hơn so với chi phí dẫn đến khoản lỗ. 

Ngoài ra, tỷ giá tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn nước ngoài và các nhiên liệu bằng USD tăng lên. Tỷ giá đồng USD đóng cửa năm 2022 tăng 495,3 đồng/USD, tương đương tăng 2,2% so với bình quân năm 2021.

Chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại các huyện, đảo khu vực chưa được kết nối lưới điện quốc gia tiếp tục được hạch toàn vào giá thành sản xuất điện năm 2021 và 2022. Giá bán điện bình quân tại các khu vực này luôn thấp hơn so với giá thành sản xuất. Do đó, tổng khoản bù giá chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại đây trong năm 2021 và 2022 lần lượt là 265,7 tỷ đồng và 387,5 tỷ đồng.

 Họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)

“Việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn về tài chính cho tập đoàn. Do đó, EVN đã đề xuất Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh giá điện. EVN có thời điểm cắt giảm 30% chi phí sửa chữa, ngoài ra tối ưu hoá vận hành, nếu không khoản lỗ sẽ còn tăng rất nhiều. Ngoài ra, EVN chưa phân bổ khoản chênh lệch tỷ giá vào giá bán lẻ điện bình quân vì phải đảm bảo hài hoà lợi ích an sinh sinh xã hội”, ông Nam cho biết.

Theo kết quả kiểm tra, có nhiều khoản chênh lệch tỷ giá tổng cộng hơn 14.700 tỷ đồng chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết hiện tại phương án điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công Thương báo cáo với Thủ tướng để cân nhắc sao cho hài hoà lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Hoà cho hay theo quy định, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ căn cứ vào chi phí đầu vào. Sau khi kiểm tra, nếu chi phí sản xuất điện dưới 5% thì thuộc thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ của EVN, trường hợp vượt quá 5% thì thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, nếu trên 10% thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.Tuy nhiên, do giá điện tác động lớn đến đời sống kinh tế vĩ mô, nên sẽ được tính toán kỹ lưỡng.

H.Mĩ