Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị về hàng nghìn MW công suất điện đang chờ giá mới, lo EVN không thể chịu lỗ để trợ giá
Ngày 17/3 tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023 với chủ đề Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Phát biểu tại phiên họp, nhóm công tác Điện và năng lượng của VBF đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, tính pháp lý. Trong đó, nổi bật là vấn đề cơ chế, chính sách giá điện với điện mặt trời và điện gió.
Theo ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF cho biết, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới quy hoạch điện VIII và cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực gần đây sẽ tạo ra khuôn khổ thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng.
Tuy nhiên, vấn đề biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió và giải pháp cho những dự án chuyển tiếp năng lượng tái tạo cũng được đưa ra.
Theo ông John Rockhold, biểu giá điện FIT cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió là bằng chứng cho thấy chính sách có thể khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.
"Hàng nghìn MW công suất của những dự án này đang phải chờ xác định giá bán điện mới do dự án không đáp ứng được điều kiện về thời hạn vận hành", ông John cho biết.
Mới đây Bộ Công Thương cũng vừa ban hành cách xác định khung giá cho các dự án chuyển tiếp này, tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để EVN và các nhà đầu tư thống nhất giá bán cụ thể cho từng nhà máy điện.
Đại diện nhóm Công tác Điện và Năng lượng nhấn mạnh EVN không thể tiếp tục trợ giá và chịu lỗ khi bán điện. “Năng lực tài chính mạnh của EVN là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc phát triển ngành điện bền vững, vì đó là cơ sở cho một hợp đồng mua bán điện khả thi về mặt tài chính (PPA)”, ông John Rockhold nói.
Ông cũng lý giải, các dự án điện mặt trời và điện gió chịu tác động khách quan từ đại dịch. Những dự án này là nguồn năng lượng sạch, và một số dự án đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc kịp thời có giải pháp cho những dự án chuyển tiếp này là cần thiết hơn bao giờ hết, trong khi chờ chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, ông John đề xuất.
Nhóm công tác cũng cho biết, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới việc phát triển trang trại điện gió lớn ở ngoài khơi tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển một dự án lớn như vậy, đòi hỏi Việt Nam cần đưa ra cơ chế và chính sách tạo sự ổn định và rõ ràng cho nhà đầu tư.
“Nếu có khung pháp lý phù hợp cho điện gió ngoài khơi thì Việt Nam có thể thu hút hàng tỷ USD nguồn vốn đầu tư vào các dự án và hoạt động cung ứng thiết bị vật tư cho các dự án này, tạo ra hàng nghìn việc làm và tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới,” Trưởng Nhóm công tác điện và năng lượng nhấn mạnh.
Phản hồi về những kiến nghị của nhóm công tác điện và năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, về quy hoạch điện VIII hiện Bộ đang tiếp tục hoàn thiện nội dung. Bộ sẽ sớm hoàn thiện và gửi báo cáo lên Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Về cơ chế cho điện gió và mặt trời chuyển tiếp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cơ chế giá FIT phù hợp với giai đoạn đầu, có tính khuyến khích đầu tư.
Hiện, đầu tư cho điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời đã giảm hơn so với trước, do vậy, để bảo đảm việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo phù hợp thị trường và giá thiết bị, công nghệ và lợi ích các chủ thể tham gia giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân thì thời gian tới sẽ chuyển cơ chế giá FIT sang cơ chế giá hợp lý hơn, phù hợp với thực tiễn mang tính cạnh tranh.
Để kịp thời ban hành cơ chế cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (dự án đã đầu tư xây dựng), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và Quyết định 21 về khung giá phát điện cho các nhà máy này.
Hiện nay đã có khung giá cho các dự án điện gió, điện mặt trời, Bộ cũng gửi email, văn bản đề nghị các chủ đầu tư sớm triển khai đàm phán với EVN để đưa vào hoạt động. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã ban hành một số thông tư để hướng dẫn cụ thể.
“Khung pháp lý cho các dự án này đã đầy đủ, thời gian tới, bên bán điện cần đàm phán với bên mua điện EVN theo quy định của Luật Điện lực, Quyết định 21 và thông tư 01”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về phát triển điện mặt trời áp mái, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, định hướng Quy hoạch Điện VIII sẽ đẩy mạnh các loại hình năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên nguồn tại chỗ, không đấu nối, không bán điện vào lưới điện quốc gia, khuyến khích điện mặt mái nhà của cơ sở sản xuất kinh doanh, tự sản xuất, tự sử dụng.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, hiện đang khuyến khích phát triển các loại hình nguồn điện không phát lên lưới điện, do hiện quy mô các nguồn năng lượng tái tạo tương đối cao trong khi truyền tải, tích trữ cần có thời gian phát triển phù hợp. Thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế cho loại hình nguồn điện như điện mặt trời mái nhà mà đấu nối lên lưới điện quốc gia.