|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá điện bán lẻ đi ngang từ năm 2019, Tập đoàn EVN nói không đảm bảo cân bằng tài chính

09:35 | 08/03/2023
Chia sẻ
EVN cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá điện bán lẻ vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

EVN vừa công bố tình hình hoạt động tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023. Trong tháng 2/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 20,22 tỷ kWh, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế hai tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 38,61 tỷ kWh, giảm 2% so với cùng kỳ.

 Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo của EVN.

Sản lượng điện truyền tải tháng 2/2023 đạt 16,1 tỷ kWh. Lũy kế 2 tháng năm 2023, sản lượng điện truyền tải tập doàn đạt 30,53 tỷ kWh, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước.

Cũng theo EVN, trong tháng 2/2023, tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục tập trung thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1. Riêng dự án thủy điện Trị An mở rộng hiện đang chờ được các cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Dự án thủy điện tích năng Bác Ái đang được tiếp tục hoàn thiện thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2.

Về lưới điện, trong 2 tháng đầu năm năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 7 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 11 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV.

Về tình hình tài chính, EVN cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá điện bán lẻ vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

Trước đó, EVN cũng đã có báo cáo lên Bộ Công Thương về tình hình cung cấp than cho việc sản xuất điện, "Dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, trong khi nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 do Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu".

EVN dự báo, giá than nhập khẩu tiếp tục giữ ở mức cao, ảnh hưởng nhiều tới khả năng huy động nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng như các nhà máy sử dụng than nhập khẩu nói chung trên thị trường điện.

Để đảm bảo than cho sản xuất điện trong năm 2023, đặc biệt là mùa khô sắp tới, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện, đồng thời, yêu cầu các đơn vị cấp than tuân thủ đúng các điều khoản tại các hợp đồng than các bên đã ký kết.

Nhìn lại năm 2022, tổng doanh thu của EVN ước đạt 460.700 tỷ đồng, tăng 4,31% so với 2021, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỷ đồng, tăng 11%. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 22.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tập đoàn ước lỗ 31.360 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao. Với giá điện bán lẻ bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng, đại diện EVN thông tin.

Trước khó khăn này, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để có thể cân đối tài chính trong những năm tới.

Minh Hằng