|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hiệp hội Dệt may 'tố' địa phương trì hoãn cấp phép dự án dệt nhuộm

07:18 | 24/04/2018
Chia sẻ
Ngành dệt may muốn phát triển phải có vùng nguyên liệu, tuy nhiên Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết nhiều địa phương không mặn mà cấp phép những dự án này vì sợ ô nhiễm môi trường.
hiep hoi det may to dia phuong tri hoan cap phep du an det nhuom Đầu tư thế nào cho nhân lực ngành dệt may?
hiep hoi det may to dia phuong tri hoan cap phep du an det nhuom Dệt may Việt Nam đón nhiều cơ hội mới từ CPTPP
hiep hoi det may to dia phuong tri hoan cap phep du an det nhuom
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước quý I-2018 ước đạt 7,62 tỉ USD - Ảnh: T.L

Tại Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công thương chủ trì tổ chức ngày 23-4, ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước quý I-2018 ước đạt 7,62 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Thừa nhận ngành dệt may hiện nay phát triển mất cân đối, ông Cẩm cho biết khâu yếu nhất là thượng nguồn như kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất.

Sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn/năm, trong đó đến 90% xuất khẩu, nhưng trong năm 2017 lại nhập 876.000 tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu nhập khẩu (chiếm trên 80% nhu cầu, trong đó Trung Quốc chiếm 50% tổng giá trị, Hàn Quốc 18%, Đài Loan 15%), tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu nhuộm.

Trong khi ngành dệt may đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nhiều dự án đầu tư vào dệt nhuộm lại bị ách tắc.

Phó chủ tịch VITAS cho biết có tình trạng một số tỉnh bác bỏ, trì hoãn cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm.

Cụ thể, đại diện Hiệp hội này dẫn chứng dự án của Tập đoàn TAL HongKong xin đầu tư dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Bá Thiện 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng đầu tư 350 triệu USD.

Giải phóng xong mặt bằng, đến nay vẫn chưa được cấp phép, dù Thủ tướng chính phủ cũng như Bộ Tài nguyên và môi trường đã đồng ý.

"Nếu các địa phương không cấp phép, ngành dệt may vẫn chủ yếu gia công, làm gì có sợi, vải mà xuất khẩu", ông Cẩm cho biết.

Thống kê của ngành dệt may cho thấy lĩnh vực dệt, nhuộm chỉ chiếm 8,3% tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may, trong khi hơn 90% đầu tư vào may.

Theo VITAS, nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ các Hiệp định FTA Việt Nam - EU (yêu cầu xuất xứ từ vải), CPTPP (yêu cầu xuất xứ từ sợi) là vấn đề xa vời.

Ông Cẩm đề nghị, các tỉnh tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

Chia sẻ lý do vì sao các địa phương kém mặn mà trong thu hút đầu tư vào dệt nhuộm, ông Cẩm cho biết, nhiều địa phương cho rằng dự án dệt nhuộm có thể gây ô nhiễm môi trường.

"Đúng là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là có nhưng nếu các nhà máy đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì phải cấp phép. Hơn nữa, địa phương từ chối có thể là có nhiều lựa chọn, họ thấy ngành khác thu hút đầu tư vào địa phương sẽ tốt hơn", ông Cẩm cho biết.

Ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công Thương - đề nghị UBND các tỉnh, TP cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải, không ngăn cản và không kỳ thị ngành dệt nhuộm như hiện nay.

Đây là yếu tố cốt lõi để ngành dệt may có thể đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu hướng sửa đổi các luật thuế để có sự đối xử công bằng hơn giữa vật tư, nguyên liệu nhập khẩu và vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước.

"Chính sách thuế như hiện nay đang dành ưu ái lớn hơn cho vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nên các doanh nghiệp xuất khẩu thiên về nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài thay vì mua trong nước", bộ trưởng cho biết.

Thúy Linh