|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiến kế nghiên cứu, sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi

11:39 | 01/04/2019
Chia sẻ
Xác định nghiên cứu, SX vacxin là một trong những giải pháp cần thiết phải triển khai để đối phó lâu dài với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến đông đảo nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu cũng như các DN hàng đầu về SX vacxin để bàn định hướng cho nghiên cứu, SX vacxin DTLCP tại nước ta. 

Vì sao khó SX vacxin DTLCP?

Theo Cục Thú y, thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về vacxin DTLCP, tuy nhiên đến nay, chưa có bất kỳ loại vacxin nào được đưa ra thương mại. Nguyên nhân khiến việc nghiên cứu, SX vacxin DTLCP gặp nhiều khó khăn so với các dịch bệnh khác, đó là virus có cấu trúc hết sức phức tạp. Virus có dạng hình khối, có kích thước 200nm, có vỏ bọc và có tới 160 - 167 protein khác nhau, với 23 - 24 kiểu gen (genotype) khác nhau. Virus nhân lên trong đại thực bào và rất khó hoặc không kích thích sinh ra kháng thể trung hòa trong cơ thể lợn. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được loại kháng nguyên nào dùng để SX vacxin giúp lợn có cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch trung gian qua tế bào.

Hiến kế nghiên cứu, sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi - Ảnh 1.

Nghiên cứu SX vacxin DTLCP sẽ còn một chặng đường dài, nhiều khó khăn phía trước.

Virus DTLCP tấn công vào đại thực bào (Macrophage), nhân lên, phá hủy hoặc làm điều chỉnh chức năng hoạt động của tế bào này, dẫn tới lợn bị mắc bệnh không còn khả năng tạo ra miễn dịch để chống lại virus. Hiện nay, đã có một số loại vacxin DTLCP được SX và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Các loại vacxin này có thể giúp lợn có được kháng thể, nhưng loại kháng thể này không, hoặc rất ít có khả năng làm trung hòa, tiêu diệt được virus DTLCP.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm vacxin DTLCP nhược độc. Đây là loại vacxin được xem là khả dĩ, có khả năng đem lại thành công cao trong phòng chống DTLCP. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vacxin này cũng đang vấp phải nhiều khó khăn như: Hiệu quả bảo hộ của vacxin nhược độc vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng; chưa có được tế bào dòng ổn định để nuôi cấy virus với số lượng lớn cần thiết để SX vacxin nhược độc. Bên cạnh đó, virus DTLCP phát triển tốt trong hệ thống nuôi cấy trên tế bào đại thực bào hoặc tế bào lympho của lợn, song giải pháp này lại rất khó thực hiện do phải sử dụng một lượng lợn rất lớn để đủ tế bào cho SX vacxin thương mại (do phải giết mổ rất nhiều lợn mới có đủ lượng tế bào và giá thành SX quá cao, không khả thi).

Băn khoăn nhược độc nhân tạo, nhược độc tự nhiên

Đề xuất về hướng nghiên cứu, SX vacxin DTLCP tại Việt Nam, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nên tập trung theo 3 hướng: Một là SX vacxin nhược độc tự nhiên (phân lập, lựa chọn chủng virus độc lực thấp từ các đàn lợn nhiễm virus nhưng không chết để SX vacxin). Hướng thứ hai là nghiên cứu SX vacxin nhược độc nhân tạo bằng cách sử dụng các công nghệ sinh học để xác định, loại bỏ các đoạn gen gây độc của virus, hoặc nuôi cấy virus qua nhiều đời (trên 80 đời, giống vacxin dịch tả lợn cổ điển mà Việt Nam đã SX thành công). Hướng thứ ba, đó là SX vacxin tái tổ hợp AND, bằng cách xác định được các kháng nguyên có khả năng tạo miễn dịch bảo hộ để cấy vào các véc-tơ khác (giống như một số hãng SX vacxin lớn trên thế giới, điển hình như Cty CEVA đang làm)...

GS.TS Cù Hữu Phú: Hiện nay, có thông tin một chủng virus DTLCP tự nhiên đã được phân lập để SX vacxin ở một đơn vị nghiên cứu ở nước ngoài, theo đánh giá thì có thể 3 - 4 năm nữa sẽ có vacxin. Quan trọng, và cũng là khó khăn nhất để SX vacxin đó là xác định chủng giống, chứ công nghệ để SX thì không phải là vấn đề lớn. Vì thế, việc chủ động chủng giống trong nước là chiến lược lâu dài. Bởi hiện nay, DTLCP đã lan ra toàn cầu, nếu có vacxin phòng bệnh thì vấn đề chủng giống sẽ là vấn đề độc quyền, chúng ta sẽ không dễ gì mua được.

GS.TS Cù Hữu Phú, Giám đốc NM sản xuất vacxin của Cty Cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet thì cho rằng, hiện nay, Việt Nam chỉ nên tập trung cho nghiên cứu vacxin DTLCP theo hướng vacxin nhược độc. Bởi các hình thức nghiên cứu SX vacxin DTLCP khác như vacxin tái tổ hợp, vacxin nhược độc nhân tạo, vacxin tiêu phần... các nước trên thế giới mặc dù có nền tảng công nghệ sinh học rất tiên tiến, đã nghiên cứu nhiều chục năm nay, nhưng chưa ra sản phẩm, cho thấy không khả thi, tốn kém.

Theo ông Phú, trong 3 hướng để SX vacxin DTLCP nhược độc, hướng cắt chuyển gen để tạo ra một chủng mới là hướng mà thế giới đã làm và cho thấy không hiệu quả, vì thế Việt Nam không nên lặp lại do cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian chúng ta có hạn. Hướng thứ hai là tạo ra các chủng nhược độc qua cấy truyền nhiều đời, đây là hướng mà chúng ta nên làm, nhưng chưa phải làm ngay được bây giờ. Vì vậy, việc nghiên cứu, SX vacxin DTLCP nhược độc ở nước ta, trước mắt nên tập trung vào hướng vacxin nhược độc tự nhiên, dựa trên phân lập và lựa chọn chủng virus có sẵn tại các vùng dịch mà có khả năng gây miễn dịch cho đàn lợn.

GS Phú nhận định: Hiện nay, dịch đã xuất hiện trên diện rộng, từ khắp các tỉnh miền Bắc tới miền Trung. Câu hỏi đặt ra là tại sao dịch xảy ra ở nhiều nơi, nhưng không gây chết lợn ồ ạt tại các vùng dịch giống như giai đoạn đầu của dịch tai xanh? Điều này chứng tỏ, có thể tồn tại ngay trong tự nhiên, đã có sẵn những chủng virus DTLCP nhược độc và gây được miễn dịch cho đàn lợn. Thực tế trong lịch sử SX vacxin, có rất nhiều loại vacxin (mà điển hình như vacxin đóng dấu lợn), nhiều chủng virus nhược độc để SX vacxin chính là từ phân lập tự nhiên, chứ không phải can thiệp về công nghệ gen hay công nghệ sinh học nào cả.

"Chúng ta nên tập trung cho hướng điều tra dịch tễ, nhưng không chỉ là phân lập các chủng cường độc ở các vùng dịch hiện nay, mà cần xác định theo hướng điều tra xem tại các vùng dịch, các đàn lợn có xuất hiện kháng thể DTLCP hay không? Nếu có kháng thể, thì chứng tỏ trong cơ thể nó đã từng tồn tại một chủng virus nhược độc nào đó. Chủng nhược độc này chính là một tiền đề rất tốt để có thể nhanh chóng SX được vacxin. Trong trường hợp chưa thành công, thì điều này cũng là rất tốt, bởi nó đồng thời giải quyết được việc điều tra dịch tễ, xem đang lưu hành chủng cường độc ở khu vực nào để phân vùng, đánh giá khả năng lây lan, tính chất lây lan dịch tễ để có biện pháp phòng bệnh", GS Cù Hữu Phú hiến kế.

Về định hướng nghiên cứu SX vacxin, ông Trần Xuân Hạnh, Phó TGĐ Cty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) lại cho rằng: Thông tin về vacxin được SX thử nghiệm từ virus nhược độc tự nhiên vừa qua trên thế giới cho thấy cũng có rất nhiều thách thức. Bởi khi tiêm cho lợn thì xảy ra phản ứng rất nặng. Nhưng khi họ bớt đi yếu tố độc lực của vacxin, thì miễn dịch lại mất đi. Vì thế cho thấy hướng SX vacxin từ chủng giống nhược độc tự nhiên cũng là hướng tốt, nhưng không hề dễ dàng.

"Tôi cho rằng, phương án nghiên cứu SX vacxin DTLCP theo hướng nhược độc nhân tạo, thông qua xác định, cắt bỏ gen độc và cấy truyền nhiều đời vẫn là hướng ưu việt, hiệu quả hơn mà nhiều Cty trên thế giới đang làm", ông Hạnh nêu quan điểm.

Hiện nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thu thập và thuần được virus DTLCP từ máu của lợn bị bệnh tại Thái Bình, đồng thời khảo sát về độc lực, tính kháng nguyên của chủng virus này cũng như tiến hành công cường độc trên lợn để đánh giá xem virus thu thập được có phải là chủng đang gây bệnh tại nước ta hay không...

Một vấn đề lớn hiện nay để nghiên cứu, SX vacxin DTLCP, đó là phải tìm được dòng tế bào mẫn cảm, thích hợp để nhân virus đủ số lượng lớn, bởi nếu số lượng virus quá nhỏ thì không thể nào tính tới để SX vacxin với quy mô công nghiệp được. Học viện đang đi theo hướng lấy đại thực bào (ở phế nang của phổi), và đã tự SX ra được lượng đại thực bào với số lượng khá lớn, có thể phục vụ, chia sẻ cho các đơn vị trong quá trình nghiên cứu. Hiện các mẫu bệnh phẩm DTLCP thu thập được đang được gây bệnh nhân tạo trên các tế bào này, chờ kết quả xem có thể tiến hành nhân virus trên tế bào này với lượng lớn hay không. Ngoài ra, Học viện cũng đã tiến hành thu thập được một ngân hàng tế bào của lợn, đây đều là những loại tế bào có thể nhân lên được với số lượng lớn nhằm phục vụ cho việc nhân virus với số lượng lớn.

Vấn đề nữa, đó là cần tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu để phân lập virus trên diện rộng tại các vùng dịch, xem virus DTLCP tại Việt Nam hiện nay chỉ có một genotype II, hay còn những genotype nào khác nữa để có định hướng chọn chủng SX vacxin cho phù hợp. Về phía Học viện, đến nay đã giải trình tự gen đối với virus thu thập được ở 7 tỉnh thành, cho thấy chỉ có genotype II, song thời gian tới sẽ phải tiếp tục giải trình tự gen đối với virus ở nhiều vùng khác.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần ưu tiên, để khẩn trương xây dựng phòng an toàn sinh học cấp 3 tại Học viện. Bởi yêu cầu trong nghiên cứu SX vacxin hiện nay, nhất là đáp ứng các nhà khoa học, các đơn vị quốc tế tới hợp tác nghiên cứu, sẽ phải cần một phòng an toàn sinh học cấp 3. Đây là chủ trương đã có từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống DTLCP khẳng định: Với đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn còn chiếm trên 50% tổng đàn trong chăn nuôi lợn cả nước, việc triển khai xây dựng một nền chăn nuôi an toàn sinh học sẽ khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Điều này khác với các nước chăn nuôi tiên tiến, quy mô lớn, có thể thực hiện các biện pháp an toàn sinh học triệt để. Vì vậy, với tầm quan trọng của một ngành hàng chăn nuôi lớn tới 8 tỉ USD và đang có tốc độ tăng trưởng tới 5 - 7%, việc nghiên cứu, tiến tới SX vacxin DTLCP tại Việt Nam là yêu cầu nhất thiết phải triển khai để bảo vệ chăn nuôi lợn về lâu dài, thậm chí tính tới chế biến, XK sau này.

Bộ trưởng đánh giá: Mặc dù mới chỉ là bước đầu, việc nghiên cứu SX vacxin DTLCP sẽ còn chặng đường rất dài và khó khăn, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc, có trách nhiệm ngay từ rất sớm, hiện các cơ quan, đơn vị, cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực thú y và SX vacxin của cả nước đã có được những kết quả làm cơ sở ban đầu cho việc nghiên cứu, SX vacxin, gồm cả về điều tra dịch tễ, phân lập virus, xác định các định hướng nghiên cứu phù hợp... Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết sẽ có chương trình tổng thể quốc gia để nghiên cứu, SX vacxin, với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan như Y tế, KH-CN cùng các tổ chức quốc tế.

Lê Bền