Trung Quốc thực sự đã kiểm soát được dịch tả heo châu Phi (ASF)?
Ảnh: Reuters.
Theo chính phủ Trung Quốc, virus ASF đã lan sang toàn bộ tỉnh, thành ngoại trừ Tây Tạng và Thanh Hải, chỉ 7 tháng sau khi trường hợp đầu tiên được xác nhận vào tháng 8 năm ngoái.
Trong khi các số liệu chính thức cho thấy số trường hợp nhiễm bệnh đang giảm dần, số liệu trong ngành đã đặt câu hỏi liệu điều này có dẫn tới sự miễn cưỡng trong việc báo cáo trường hợp nhiễm virus vì kiểm soát bệnh hiệu quả hay không.
Virus ASF không ảnh hưởng tới con người nhưng gây tử vong ở heo, là mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi và các ngành công nghiệp hỗ trợ, như thức ăn chăn nuôi tại nhà sản xuất heo hàng đầu thế giới.
Nguồn cung thiếu hụt và có thể giá tăng cao do căn bệnh này cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Trung Quốc, vốn sử dụng thịt heo là chủ yếu.
Dịch ASF đã lây lan sang nhiều quốc gia khác, từ Việt Nam đến Australia , và rủi ro gia tăng tại Mỹ sau khi các đặc vụ liên bang gần đây đã tịch thu một triệu pound thịt heo nhập lậu từ Trung Quốc - mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy thịt đã được bị nhiễm virus tả heo châu Phi.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cơ quan phụ trách kiểm soát virus, đã công bố 113 trường hợp mắc bệnh tính tới thời điểm hiện tại, với hai trường hợp vào tháng 3, 7 ổ dịch vào tháng 2 và 5 vào tháng 1, giảm đáng kể từ 21 trường hợp trong tháng 12/2018 và 25 trường hợp hồi tháng 11 năm ngoái.
Hôm thứ Tư (19/3), Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Trung Quốc Yu Kangzhen tuyên bố chiến thắng tạm thời trong việc ngăn chặn dịch ASF, dẫn chứng bằng sự sụt giảm trong số trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo, và thông báo gỡ bỏ lệnh phong tỏa ở 105 khu vực bị ảnh hưởng.
Đồng thời, Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả doanh nghiệp giết mổ tiến hành kiểm tra sinh học đối với virus bắt đầu từ ngày 1/5 để ngăn chặn bất kì miếng thịt heo nhiễm bệnh nào xâm nhập vào thị trường hoặc những phần thịt heo vứt đi làm thức ăn cho heo.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu sự sụt giảm đáng kể trong các trường hợp nhiễm dịch ASF được báo cáo là kết quả của các biện pháp kiểm soát hiệu quả hay chính quyền địa phương ngày càng không muốn báo cáo các vụ mới.Ảnh: AFP.
Ảnh: AFP.
60 - 70% trang trại nuôi heo lớn của Hà Bắc nhiễm ASF
Tổ chức Thú y Thế giới từ chối bình luận về khả năng không báo cáo. Tổ chức cho hay họ không đưa ra những bình luận công khai về những tin đồn liên quan tới bệnh động vật khác nhau. Tuy nhiên, cơ quan này tiếp tục phân tích tất cả thông tin lvà triển khai hoạt động tìm kiếm thông tin không chính thức liên quan đến sức khỏe con người và động vật .
"Phần lớn các trang trại lợn ở Hà Bắc đã được báo cáo nhiễm dịch ASF, và tình hình tương tự được ghi nhận ở các tỉnh lân cận là Hà Nam và Liêu Ninh. Hầu hết các trường hợp đã không được báo cáo".
Ông Sun Dawu, Chủ tịch Tập đoàn Nông nghiệp Hà Bắc Dawu
Sun Dawu, Chủ tịch Tập đoàn Nông nghiệp Hà Bắc Dawu, công ty vận hành các trang trại nuôi heo ở tỉnh, cho biết, dịch ASF tại Hà Bắc nghiêm trọng hơn nhiều so với số liệu chính thức cho thấy vì nhiều trường hợp chưa được báo cáo.
"Phần lớn các trang trại lợn ở Hà Bắc đã được báo cáo nhiễm dịch ASF, và tình hình tương tự được ghi nhận ở các tỉnh lân cận là Hà Nam và Liêu Ninh", ông Sun nói. "Hầu hết các trường hợp đã không được báo cáo".
Tháng trước, ông Sun cho biết, khoảng 15.000 con heo đã chết vì dịch tả heo châu Phi ở huyện Xushui, tỉnh Hà Bắc nhưng chính quyền địa phương đã che đậy thông tin.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sau đó xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus ASF tại huyện Xushui, tỉnh Hà Bắc nhưng không xác nhận số lượng heo đã chết.
Tổng giám đốc một công ty lớn về vacxin động vật ở Bắc Kinh, cho biết khoảng 60 hoặc 70% các trang trại lớn ở Hà Bắc đã bị ảnh hưởng.
"Nhiều trang trại nhỏ và một số trang trại quy mô vừa và lớn vẫn bán heo mặc dù họ đã phát hiện dịch tả heo châu Phi", ông nói. "Có 99 trang trại chăn nuôi heo cốt lõi ở Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 2, chưa đến 20 trang trại chưa bị dịch bệnh tấn công".
Một nhân viên của China Animal Husbandry Group, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc, cho hay dịch tả heo châu Phi là một đòn giáng mạnh vào ngành chăn nuôi heo quốc gia này.
"Chúng tôi không có vacxin và không thể kiểm soát nó thông qua các loại thuốc, nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ tử vong cao. Và chúng tôi không có cách giải quyết vấn đề này tốt", ông nói.
Thách thức đối với ngành chăn nuôi heo Trung Quốc
Cách đây hơn một thập kỉ, một loại virus có khả năng lây nhiễm cao được gọi là bệnh tai xanh đã tấn công các trang trại heo ở Trung Quốc, lây nhiễm ở hơn 48.500 con heo và giết chết gần 18.600 con.
Tuy nhiên, không giống bệnh ASF, Trung Quốc đã sớm phát triển một loại vacxin hiệu quả và phát triển những kĩ thuật để phát hiện ra căn bệnh này. Một số cơ quan truyền thông cũng cho biết họ đã được lệnh không báo cáo bất cứ điều gì chưa được xác nhận chính thức.
"Lo ngại chính của chính phủ là gây hoang mang [trong xã hội]", một biên tập viên làm việc trong cơ quan truyền thông trực tuyến cho hay. Ông nói thêm đã nhận được một số yêu cầu - cả bằng lời nói và văn bản - cấm ông đưa tin về các câu chuyện liên quan.
4 người khác làm việc cho các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc cũng xác nhận rằng họ đã nhận được lệnh về việc che giấu thông tin về dịch ASF trong khi bệnh bùng phát, nhưng gần đây không có lệnh nào được ban hành.
Besty Freese, một biên tập viên người Mỹ về nông nghiệp, đã đăng bài viết với tựa đề "Tại sao bạn không tin những gì Trung Quốc nói về dịch tả heo châu Phi" trên trang web Successful Farming hôm 13/3 sau chuyên đi một tuần tới nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng trước.
Trong bài báo, bà Freese đã trích dẫn một chuyên gia về xuất khẩu thịt ở Trung Quốc, người đã cho biết, có những trường hợp được báo cáo trên toàn quốc, nhưng nhiều trường hợp không được báo cáo. Dịch ASF cũng đã được phát hiện trong các sản phẩm thịt heo được bán ở Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 1/3, ông Li Jingsheng, một viên chức của Bộ Công an Trung Quốc, cho hay cơ quan cảnh sát đã bắt giữ 90 người trong tổng số 32 vụ án hình sự liên quan đến dịch ASF, với 140 tấn sản phẩm thịt heo.
Đồng thời, số lượng heo ở Trung Quốc đang giảm mạnh. Theo khảo sát hàng tháng của chính phủ tại 400 quận trên cả nước, số lượng heo sống vào cuối tháng 2 đã giảm 16,6% so với một năm trước đó, trong khi số lượng heo nái giảm 19,1%.
Nguồn cung thịt heo giảm, dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn. Giá thịt heo trung bình trên 16 tỉnh của Trung Quốc đã tăng 36,9% trong tuần trước so với cùng kì năm ngoái và tăng 13,9% so với tuần trước, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.