|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nắm lấy 'cơ hội vàng', lần này sẽ khác?

07:58 | 23/05/2020
Chia sẻ
Theo chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều cơ hội vươn lên mạnh mẽ nhờ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Nhưng để cơ hội không vuột tầm tay một lần nữa, các Chính sách điều hành cần thực hiện đúng như cách mà chúng ta đã làm trong phòng chống dịch.

Khi nhiều người đang nói đến cơ hội của Việt Nam sau khi chúng ta đã vượt qua dịch COVID-19 thành công đến mức được cả thế giới ca tụng, thậm chí nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước xem đây là "cơ hội vàng" để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ nhờ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, đón dòng vốn dịch chuyển "không thể đảo ngược" ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn từ Mỹ. Thế nhưng, nhiều nhà kinh doanh vẫn còn đó những lo lắng, cùng câu hỏi "lần này sẽ khác"?

Cơ hội không chỉ cho Việt Nam

Trả lời vấn đề này tại buổi tọa đàm "Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch" với chủ đề: "Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?" do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cụm từ được đề cập nhiều gần đây là "cơ hội vàng", nhưng cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... Cơ hội không dành riêng cho Việt Nam, mà còn cả cho Ấn Độ, Indonesia...

Theo bà Phạm Chi Lan, các nước đã dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó, Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn, đây cũng là nguyên nhân Việt Nam từng bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Nhìn lại vì sao ta bỏ lỡ cơ hội, chuyên gia này cho rằng một phần là do vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu, phân tích xem cần phải làm gì để thay đổi tình trạng và nắm bắt cơ hội.

"Trước ta coi mình là cô gái đẹp, giờ cô gái đã già rồi…

Chúng ta háo hức nói về công nghệ 4.0. Nhưng thực tế ta làm rất ít để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0. Khát vọng và mong đợi của người thiết kế cơ chế nó không giống với khát vọng cơ chế của doanh nghiệp", bà Phạm Chi Lan cho rằng chính sách không nên cố kiểm soát doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi. Trong khi thế giới đã khác, rất phát triển nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay tháo gỡ rào cản, khó khăn...

Điều đáng mừng là dịch Covid-19 vừa qua với những gì xảy ra tại Việt Nam cho thấy bài học tốt. Khi chúng ta chọn một mục tiêu và ưu tiên cao nhất để tập trung làm sẽ làm được.

Một bộ máy điều hành cương quyết, các bộ ngành phối hợp tốt, người đứng đầu hiểu việc và áp dụng những cái tiến bộ vào xử tình thế khó khăn đã cho kết quả tích cực. Nhưng làm sao nuôi dưỡng được tinh thần đó trong thời gian tới là điều đáng quan tâm.

Minh bạch, rõ ràng và thông suốt như chống dịch sẽ phát triển tốt

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, chính sách thời gian qua là rõ ràng, Chính phủ cần minh bạch, cập nhật thông tin thường xuyên, thông suốt. Nếu làm được theo cách ta đã làm trong phòng chống dịch thì sẽ phát triển tốt.

Bà Lan cũng đánh giá cao những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần đây đang đi đúng hướng hơn so với trước đây.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng 2008, bà Phạm Chi Lan cho rằng ở thời điểm hiện tại, các gói giải pháp ứng phó khủng hoảng của Chính phủ đưa ra đã tốt hơn so với giai đoạn trước đây.

Trong cuộc khủng hoảng 2008, Chính phủ đưa ra các gói kích cầu lớn nhưng định hướng không rõ ràng nên dòng tiền thay vì đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì lại đầu tư vào bất động sản, đẩy lãi suất ngân hàng lên cao. Hệ quả là bất động sản xảy ra bong bóng, giá nhà đất trở nên đắt đỏ và hệ quả của chính sách đó vẫn chưa khắc phục một cách triệt để đến tận thời điểm này.

"Lần này Chính phủ làm tốt, gói kích cầu có định hướng, mục tiêu và qui định cụ thể rõ ràng, ví dụ có gói kích cầu nhắm vào những người bị mất việc làm do COVID-19. Có những đối tượng được hỗ trợ đúng mục tiêu, ví dụ hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, tín dụng...", bà Lan nhận xét.

Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng những gói hỗ trợ tốt và đúng đắn nhưng việc triển khai còn chậm, thủ tục còn nhì nhằng... Ví dụ, hiện có doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn thì được xét đến còn doanh nghiệp có nhu cầu nhưng thủ tục vay vốn còn khó khăn.

"Ai cũng thấy ngân sách sụt giảm và bị thu hẹp, nhà nước cũng không cần đưa ra nền kinh tế nhiều tiền nhưng đã đưa ra thì phải kịp thời. Cứu người phải đúng lúc, họ đang ngắc ngoải cần kịp thời, chứ chờ lúc họ chết rồi thì không còn ý nghĩa nữa", vị chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho rằng, các cơ chế chính sách cần phải phục vụ mục tiêu phát triển nội lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tăng trưởng phát triển thời gian qua của Việt Nam nhờ vào sự phát triển của doanh nghiệp, người dân chứ không chỉ nhờ đầu tư công. Nếu kì vọng vào đầu tư công nhiều quá không hẳn là điều tốt. Nhà nước cần có cơ chế đầu tư công do doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Vào năm 2013, Việt Nam đưa ra chiến dịch tái cơ cấu đầu tư công và làm tốt. Nhưng tôi đang e ngại sẽ quay trở lại cách làm cũ đầu tư công gây thất thoát lãng phí, rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, mà trong khi một số doanh nghiệp với điều kiện của họ không đáng được hưởng tại Việt Nam.

Ngay như trong hoạt động mua bán và sáp nhập, vấn đề không phải bán được hay không mà phải là bán cho ai, có lợi hay không... Nhà nước có quyền đưa ra những bộ lọc, trước đây như thế này giờ đây không như thế nữa... những dự án năng lượng tái tạo không nên để rơi hết vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

EVFTA vẫn giúp gia tăng lợi ích dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 

Trước những lo ngại về chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sức mua ở thị trường các nước và việc EVFTA sắp có hiệu lực bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bà Phạm Chi Lan vẫn cho rằng EVFTA sẽ thúc đẩy việc gia tăng lợi ích, tác động của Covid-19, các nền kinh tế đang phải tái cấu trúc lại để tăng lợi ích của mình, xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để phát triển những ngành tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam đang tăng lên. Đó là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang liên minh châu Âu (EU) có thể bị sụt giảm, không đạt được như kỳ vọng được đặt ra mà ta trông chờ vào EVFTA thời điểm trước dịch bệnh. Thế nhưng, sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng. Lâu nay, xuất khẩu nhiều nhưng 70% là đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo bà Bà Phạm Chi Lan, một số lĩnh vực có cơ hội đón đầu EVFTA như sản phẩm bảo hộ y tế. Nhiều nước vẫn đang lo lắng giai đoạn 2 của dịch bệnh và có thể kéo dài đến mùa hè sang năm. Nỗi lo lắng về dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi có vaccine, và vaccine hoàn tất khâu thử nghiệm và tổ chức sản xuất đồng loạt cho người dân cũng phải mất khoảng 1-2 năm nữa mới hình thành được.

Do đó, trong khoảng thời gian này, Việt Nam cũng có thể tìm tòi về sản phẩm y tế từ bản sắc riêng của Việt Nam, ví dụ từ những bài thuốc nam truyền thống, nhiều khi rất hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động làm việc trong mảng chăm sóc người bệnh, người già cho các thị trường Nhật Bản, Đức... Đây là những sản phẩm, dịch vụ cần tiếp tục quan tâm cho xuất khẩu.

Song song đó, DN ngành dược cũng nên quan tâm đến phát triển dịch vụ trong nước, bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, dịch bệnh vẫn phức tạp do đó, vẫn cần tăng cường năng lực y tế.

Lĩnh vực tiếp theo là lương thực thực phẩm, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) vẫn lo ngại nạn đói có thể xảy ra vì dịch cúm và tình trạng biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp làm gì trong lúc chờ chính sách thay đổi?

Trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp cần làm gì trong khi chờ chính sách thay đổi, bà Phạm Chi Lan cho biết, hiện ở phía Nam, các doanh nghiệp đã chuẩn bị cho đường đua mới, họ thấy rằng nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ thành vấn nạn cho mình, nên họ tìm mọi cách để chuyển động, phải tăng nội lực.

Nhưng chỉ các doanh nghiệp không thôi theo bà Lan là rất khó để làm. Việc này có thể sẽ giải quyết được thông qua các hiệp hội.

Theo chuyên gia, cần nghiên cứu định hình lại trong tương lai như thế nào. Các hiệp hội nên cùng nhau bỏ ra một khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tương lai sẽ như thế nào, thói quen của người tiêu dùng sẽ thay đổi rất nhiều, nên nghiên cứu để xem nên đi về đâu và cái gì sẽ là xu hướng trong tương lai? Đâu là thị trường lớn và đâu là thị trường ngách có thể khai thác. Cách thức kinh doanh như thế nào?

"Cần nhớ rằng thị trường rất khó để hồi phục như cũ, và sẽ là hồi phục trong giai đoạn bình thường mới. Bình thường mới cũng có những bất thường mới. Do đó, cần nghiên cứu lo cho việc đó.

Các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, bàn lại trong phạm vi hiệp hội để xem chúng ta có thể cùng nhau làm gì, đừng trông chờ vào nhà nước. Trên cơ sở yêu cầu của mình, cần đề xuất chính sách cần thiết, cần xem mình làm gì, làm cái gì cần thiết trong tương lai. Cần lo cho dài hạn, đầu tư dài hạn chứ không ngắn hạn.

Với đối tác nước ngoài thì nên xem xét đầu tư với ai, chọn ai trong khi bao nhiêu cửa đang mở ra cho mình trong các hiệp định thương mại. Với Mỹ thì chí ít hai bên đã cùng nhau đàm phán TPP, làm cơ sở cho hợp tác trong tương lai.

Tôi chờ đợi sự chủ động của doanh nghiệp, đừng chờ nhà nước đi chào mời vốn đầu tư, bản thân doanh nghiệp nên chủ động chào mời, thuyết phục nhà đầu tư vào để làm cùng với họ. Tôi tin ngôn ngữ chung của doanh nghiệp khi đối thoại cùng nhau sẽ dễ dàng hơn so với khi đối thoại với nhà nước. Tôi mong doanh nghiệp nên theo tinh thần như vậy không chỉ cứu mình, nâng mình lên, tạo bước ngoặt cho nền kinh tế", bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

 "Tôi kỳ vọng vào việc nâng cao chuỗi giá trị ở trung hạn vì có thời gian phát triển để phát triển nội lực. Tôi mừng rằng mục tiêu phát triển nội lực đã được các vị lãnh đạo cấp cao nói nhiều và được luật hóa trong các nghị quyết và văn bản pháp luật trong thời gian vừa qua", bà Lan chia sẻ.

Nếu thu hút đầu tư FDI mà nhà đầu tư phải mang hết các thứ vào Việt Nam từ Trung Quốc thì Việt Nam cũng chưa được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kì vọng, hi vọng chỉ 2-3 năm nữa là mình có thể làm được điều này.

Hoàng Trung