|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM khởi động kế hoạch phục hồi với loạt dự án, đề xuất đầu tư, đáng chú ý là 'siêu cảng' Cần Giờ - Cái Mép gần 6 tỷ USD

14:12 | 21/04/2022
Chia sẻ
Phục hồi từ mức tăng trưởng giảm sâu trong năm 2021, kinh tế TP HCM đầu năm 2022 khởi động với loạt đề xuất rót vốn đầu tư, đáng chú ý là dự án đề xuất đầu tư "siêu cảng" Cần Giờ - Cái Mép gần 6 tỷ USD của Tập đoàn MSC.

Dịch COVID-19 tàn phá khiến kinh tế TP HCM năm 2021 tăng trưởng âm 6,78%. Trong năm 2022, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Trong quý đầu tiên, tăng trưởng GRDP của TP ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, phục hồi từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%.

Mức tăng trưởng dương cho thấy kinh tế của TP HCM đang phục hồi nhanh, sớm đạt kỳ vọng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, TP HCM đã tổ chức nhiều sự kiện thu hút đầu tư cùng hàng loạt đề xuất tập trung cho kinh tế TP.

Gần đây nhất, tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 15/4, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) tiết lộ Tập đoàn vận tải biển MSC - Tập đoàn lớn nhất thế giới về vận tải biển đang đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore - là cảng trung chuyển quốc tế sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP HCM, với mức đầu tư rất lớn.

Bà Lã Hồng Hạnh đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng khi  toàn bộ lượng hàng quốc tế trước kia trung chuyển ở Singapore thì bây giờ sẽ chuyển sang Việt Nam. Hiện Chính phủ đang rất nỗ lực làm việc với các tập đoàn để triển khai các thủ tục đầu tư sớm để xây dựng cảng biển giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2025 - 2026.

 Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. (Ảnh: Hải quan Online).

Cụ thể, theo bản tham luận "Chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT - đòn bẩy phát triển bất động sản vùng TP HCM" của Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Tập đoàn vận tải biển MSC đề xuất liên danh Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đầu tư Khu cảng tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Về quy mô, dự án gồm 13 bến chính tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000 – 65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km.

Công suất thiết kế là 15 triệu TEU (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế; khoảng 20% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam).

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 135.355 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,9 tỷ USD). Năm 2025 dự kiến hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ trướng phê duyệt, cảng biển TP HCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến trên sông Nhà Bè, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp.

Lượng hàng thông qua năm 2025 khoảng từ 133,03 đến 141,48 triệu tấn/năm, trong đó riêng lượng hàng công ten nơ khoảng từ 7,72 đến 8,18 triệu TEU/năm.

Năm 2030 khoảng từ 145,47 đến 159,98 triệu tấn/năm, trong đó riêng lượng hàng công ten nơ khoảng từ 8,44 đến 9,07 triệu TEU/năm.

Lượng hành khách thông qua năm 2025 khoảng từ 27,67 đến 108,76 nghìn lượt khách/năm; năm 2030 khoảng từ 28.900 đến 243.000 lượt khách/năm.

Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động xúc tiến hậu COVID-19 diễn ra ngày 13/4, Chủ tịch UBND TP HCM cũng đã làm việc với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hai đối tác lớn của họ là Tập đoàn ORIX Corporation (Nhật Bản), Tập đoàn CK Asset Holdings Limited (Hồng Kông).

Tại buổi làm việc, phía tập đoàn ORIX Corporation, ông Li Hao, Phó Lãnh đạo Trụ sở Đặc trách Kinh doanh Vùng Đông Á - Chủ tịch Orix Asia Capital Ltd., cũng khẳng định mong tìm được tiếng nói chung với chính quyền TP trong việc phát triển các hạ tầng tài chính có tính kết nối vững vàng với thị trường quốc tế, làm nền tảng để thu hút đầu tư, phát triển các tài sản có giá trị thật.

Bên cạnh đó, vào hôm 12/4, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện: Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, hai huyện Củ Chi, Hóc Môn đã kêu gọi đầu tư 55 dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ… với tổng mức đầu tư hơn 285.000 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD).

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 nhà đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng mức vốn gần 430 triệu USD (hơn 8.400 tỷ đồng), đồng thời trao bản ghi nhớ đầu tư cho 31 nhà đầu tư với tổng số vốn gần 16,2 tỷ USD (hơn 370.000 tỷ đồng).

Vào hồi đầu năm, tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do báo Người Lao động tổ chức ngày 17/2, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết tập đoàn đã có kế hoạch, lộ trình về trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng.

"Nếu đề án được thông qua, theo những gì và phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế", ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin.

Theo Cục Thống kê TP HCM, từ ngày 1/1 đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 406,6 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ, gồm: vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện số dự án còn hiệu lực hoạt động đến ngày 20/3 là 10.533 dự án, với vốn đăng ký là 52,89 tỷ USD (gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Nhiều dự án hạ tầng quan trọng được đầu tư xây dựng

Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025 mà UBND TP HCM vừa ban hành, TP HCM xác định giai đoạn phục hồi từ nay đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển, TP HCM thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng. Đặc biệt tập trung hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4; tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa thành phố và các địa phương lân cận.

Ngoài ra, TP cũng xác định triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh); mở rộng tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, tuyến đường kết nối các tỉnh.

Mới đây nhất, dự án Vành đai 3 đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, bố trí vào Chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khai mạc vào ngày 23/5, bế mạc ngày 20/6 để xem xét.

Theo văn bản báo cáo Thủ tướng cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM của UBND TP,  công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư triển khai từ quý III năm nay và hoàn thành vào quý II/2024, dự kiến sẽ thi công hoàn tất toàn bộ dự án vào năm 2026. 

Về nhu cầu giải ngân, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 61.056 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 31.380 tỷ đồng, ngân sách địa phương 29.676 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo là 14.322 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 7.361 tỷ đồng; ngân sách địa phương 6.961 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP HCM cũng đang hoàn thành ba dự án gồm cầu Thủ Thiêm 2 (nối TP Thủ Đức và quận 1); nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân) và đường song hành Võ Văn Kiệt (quận 1) để chào mừng dịp lễ 30/4 sắp tới.

Song song, Sở GTVT TP HCM cũng dự kiến sẽ khởi công vào quý III các dự án cửa ngõ xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức), xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nối với nhà ga T3 (quận Tân Bình). Tổng mức đầu tư ba dự án trên là hơn 10.000 tỷ đồng.  

Phương Trang