Lời mời từ Mỹ, cơ hội Việt Nam mở ra 'kỉ nguyên mới'
Cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu
Những ngày gần đây, truyền thông thế giới thông tin Mỹ và nhóm “bộ tứ mở rộng” (Quad Plus) sẽ xây dựng một “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” (Economic Prosperity Network) với mục đích được cho là sẽ chuyển dịch 1 phần chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc và đa dạng hoá để giảm rủi ro.
Chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong “mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, tuy nhiên, chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Và nhiều khả năng đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng: Đây là cơ hội rất lớn để chuỗi cung ứng của Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu cũng như bán thành phẩm từ Trung Quốc, kể cả dệt may, da giày...
Đánh giá việc Việt Nam phòng chống hiệu quả dịch Covid-19 là một trong những yếu tố giúp uy tín Việt Nam nâng cao, ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: Nếu tham gia vào chuỗi cung ứng đó, ngoài nỗ lực của Việt Nam là một chuyện, thì Việt Nam cũng sẽ nhận được hỗ trợ mạnh mẽ về mặt kỹ thuật, về chuyên môn, và đặc biệt về nguồn vốn.
Theo đại diện VAFIE, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là điều có thể hình dung. Dịch Covid-19 đã cho thấy thế giới bị lệ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc và đó là “giọt nước làm tràn ly”. Cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong những năm qua, các quốc gia dường như nhận thấy rằng niềm tin với Trung Quốc suy giảm đáng kể.
“Chuỗi cung ứng toàn cầu, nền sản xuất toàn cầu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Sự bất ổn định của Trung Quốc ảnh hưởng không chỉ đến Mỹ mà nhiều nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, có ý định khuyến khích các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Bằng chứng là Nhật Bản bỏ ra 2,2 tỷ USD để kéo các doanh nghiệp trở về nước hoặc tới các nước khác, trong đó Đông Nam Á là mục tiêu số 1”, ông Nguyễn Văn Toàn dẫn chứng.
Các nước khác nữa cũng có động thái tương tự, mở đường cho các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Tuy xu thế các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc là có nhưng theo ông Nguyễn Văn Toàn, mức độ như thế nào thì chưa rõ. Đây là điều “hạ hồi phân giải”.
PGS.TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, cho rằng: Việt Nam hay các nước khác sẽ khó có thể thay ngay được Trung Quốc để đóng vai trò cốt yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đây là cơ hội để nâng dần vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Thời điểm này, thế giới đang nhìn về Trung Quốc với cái nhìn rất nghi ngại. Việc Trung Quốc kiểm soát các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay khiến các nước bắt đầu lo ngại.
Cho rằng Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội này, TS Đỗ Đức Định phân tích: Việt Nam có những cải thiện rất tốt về mặt y tế, kinh tế và về mặt lực lượng lao động. Trước đây, nhiều công ty đầu tư vào Việt Nam rất lo ngại thiếu lao động Việt Nam tay nghề cao, nhưng hiện nay, lực lượng lao động liên quan tới công nghệ của Việt Nam đã bước đầu đáp ứng được. Tuy Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của lực lượng lao động vàng, nhưng nếu duy trì được lực lượng lao động tốt trong 10-20 năm nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc đóng góp sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn
Chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội này là câu hỏi đang được đặt ra? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng: Về phía Chính phủ, cần phải có những động thái mới trong cải thiện môi trường đầu tư, trước hết là các luật và văn bản dưới luật. Gần đây, chúng ta bàn nhiều về Luật Đầu tư sửa đổi, Luật này phải được sửa đổi trên 2 quan điểm, góc nhìn mới.
Thứ nhất là phải căn cứ vào Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, việc sửa Luật Đầu tư phải dựa trên cơ sở mới là chọn luồng đầu tư mới. Trong đó, một luồng đầu tư rất quan trọng là từ EU và Mỹ, nơi có công nghệ cao có công nghệ quản lý tốt. Doanh nghiệp EU, Mỹ sẽ tạo ra giá trị lan tỏa tốt hơn đến các doanh nghiệp Việt Nam, lao động Việt Nam.
“Nếu ta nhận luồng đầu tư của Trung Quốc thì không cẩn thận họ lại muốn làm hết. Họ có thể đưa cả lao động giản đơn, máy móc thiết bị thiếu tân tiến vào Việt Nam. Bản thân chuỗi cung ứng họ cũng làm từ A đến Z, ít khi hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia chuỗi của họ”, ông Toàn nhận định.
Về phía doanh nghiệp, theo đại diện VAFIE, phải chủ động, sáng tạo và phấn đấu để có thể đứng trên đôi chân của mình và bắt tay bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài.
“Trước đây, chúng ta xuất khẩu sang thị trường dễ tính như Trung Quốc thì bản thân ta không phát triển được chất lượng. Các thị trường Mỹ, Nhật Bản... họ yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải tự nâng mình lên để có thể tìm đối tác mới, thị trường mới. Doanh nghiệp cũng phải tìm ra nguồn cung ứng đa dạng hơn, bỏ trứng vào nhiều giỏ. Khi những chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đứt gãy hoặc ảnh hưởng thì doanh nghiệp cũng không bị chao đảo”, ông Nguyễn Văn Toàn gợi ý.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Đức Định góp ý chính sách thuế cần hướng đến “nuôi dưỡng nguồn thu”. “Nhà nước có thể đặt ra mức thuế thấp thôi để giúp doanh nghiệp tăng sản xuất. Khi đó nguồn thu thuế cũng có cơ hội tăng lên một cách bền vững”.
Ngoài ra, một điều rất quan trọng khác, Việt Nam cần nhìn nhận thoáng hơn về kinh tế thị trường, trong đó có kinh tế tư nhân. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có động lực để phát triển, đóng góp sâu hơn vào nền kinh tế, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn, mạnh dạn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn.