Thiếu đường cao tốc, doanh nghiệp e ngại khi đầu tư về miền Tây
Chia sẻ tại Hội thảo "Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" do Báo Thanh Niên tổ chức, ông Đỗ Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết thời gian qua, Trung Nam đã hoàn thành đầu tư hai dự án điện lớn tại tỉnh Trà Vinh. Quá trình triển khai dự án đi qua nhiều tỉnh, thành đã bộc lộ rõ nhiều thực trạng về giao thông.
Theo ông, dù có nhiều lợi thế để triển khai các dự án năng lượng nhưng giao thông chính là nút thắt khiến việc thu hút các nhà đầu tư cực kỳ khó khăn. Đặc biệt là khi vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng trên các quốc lộ, các đường cong, cua trên các công trường, làm gia tăng chi phí lớn cho nhà đầu tư.
Lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam nhấn mạnh các dự án năng lượng trong tương lai đòi hỏi yếu tố giao thông cả đường bộ, đường thủy và cảng biển phải được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
"Nếu có thể hoàn thành các dự án giao thông theo đúng quy hoạch và tiến độ mà Chính phủ cũng như Bộ GTVT đã đề ra, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội, tiết kiệm nhiều chi phí khi đầu tư các dự án năng lượng, công nghiệp, xuất nhập khẩu... đem lại nhiều nguồn lực đến với các tỉnh miền Tây", ông Kiên kỳ vọng.
Cũng chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Dương Như Hùng - Trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng đặt vấn đề về "Hạ tầng giao thông tác động đến đầu tư, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế như thế nào?".
Dẫn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) giai đoạn 2007 - 2017 cho thấy, nếu chất lượng hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam tăng khoảng 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tăng 24%. Từ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nguồn nhân lực của khu vực ĐBSCL.
Quá trình phát triển hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam đã được cải thiện thời gian qua nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới còn thua xa. Vì thế, doanh nghiệp sẽ bất lợi hơn trong cạnh tranh, nhất là về chỉ tiêu logistics.
Riêng chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% là mức cao hàng đầu trên thế giới nên doanh nghiệp xuất khẩu kém cạnh tranh. Ước tính, khi chi phí vận chuyển giảm 1% thì nhà xuất khẩu sẽ tăng thị phần lên 5 - 8%.
Như vậy, cải thiện hệ thống giao thông vận tải sẽ giúp lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với khu vực ĐBSCL rất nhiều.
TS Dương Như Hùng cho rằng, chiều dài các loại đường của một quốc gia phụ thuộc vào diện tích, mật độ dân số, GDP đầu người và thành viên tổ chức OECD. Khi GDP/đầu người tăng 2% thì thông thường đường cao tốc tăng thêm 1%. Trong khi đó, GDP/đầu người của khu vực ĐBSCL cao nhưng tỷ lệ đường cao tốc rất thấp.
Theo tính toán của ông, một quốc gia tương tự như Việt Nam thì số đường cao tốc khoảng 9.000 km. Như vậy khu vực Tây Nam bộ cần 1.263 km cao tốc, Đông Nam bộ là khoảng 1.900 km… Nhưng thực tế hiện nay đường cao tốc của khu vực này rất thấp.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nam bộ giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 12% vào 2018; Đông Nam bộ từ 37% xuống còn 32% năm 2018. Như vậy khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế nhưng lại phát triển chậm hơn. Do nhiều nguyên nhân nhưng việc thiếu đường cao tốc cũng khiến cho kinh tế đi chậm lại.
TS Dương Như Hùng nhấn mạnh: Tỷ lệ đường cao tốc và quốc lộ tại khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ không tương xứng với diện tích, mật độ dân số và tăng trưởng GRDP. Cải thiện hạ tầng giao thông vận tải sẽ giảm chi phí logistics, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần tăng trường kinh tế địa phương.
ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Nơi đây đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây nên còn được gọi là vựa nông sản.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn. Hiện, tổng chiều dài cao tốc ở miền Tây chưa đến 100 km trong tổng số gần 1.240 km trên cả nước, khiến tính kết nối vùng nhiều điểm nghẽn.