Báo Nhật viết về tiềm năng của TP sắp trở thành đô thị lõi của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 11/1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/3 và được thực hiện trong 5 năm.
Với nghị quyết này, TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.
Với dân số 1,2 triệu người, Cần Thơ sẽ trở thành "đô thị hạt nhân" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030. Theo kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2022-2030, Việt Nam dự định thu hút các khoản đầu tư với tổng giá trị hàng chục tỷ USD.
Nikkei Asia nhận định dù có tiềm năng phát triển, song Cần Thơ vẫn đứng sau so với Hải Phòng và Đà Nẵng về mức độ phát triển do các TP phía Bắc được ưu tiên đầu tư hơn.
Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt để Cần Thơ xứng tầm với vị trí là cửa ngõ của khu vực hạ lưu sông Mê Kông, kết nối Việt Nam với Campuchia và Lào.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế nằm trong vùng canh tác lớn nhất cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển trở thành một TP xanh với sự tham gia của các doanh nghiệp nông nghiệp và môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, Cần Thơ được tập trung phát triển bởi có vị trí khá đắc địa, nằm gần TP biển Sihanoukville của Campuchia.
Trong nhiều năm qua, Mỹ và Việt Nam đã có những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong việc phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đề cập đến việc hỗ trợ các dự án nhằm phát triển bền vững hơn trong khu vực.
Với hệ thống giao thông tốt hơn, sân bay, cảng biển và một tuyến đường sắt mới, Cần Thơ khẳng định tầm quan trọng của mình như một trung tâm kinh tế và văn hóa.
Sau khi chương trình Hợp tác Mekong-Australia được thành lập vào năm 2020, một cố vấn đặc biệt cho khu vực Mê Kông của Việt Nam đã được bổ nhiệm nhằm tăng cường đầu tư và hợp tác của Australia đối với khu vực này.
Các dự án hợp tác tiếp theo sẽ được thực hiện trong thời gian tới, như tuyến đường sắt nối Cần Thơ với TP HCM, đường cao tốc Bắc Nam, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.
Nikkei Asia cho rằng việc phát triển Cần Thơ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc khắc phục tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19, điều này cũng sẽ làm tăng tốc độ đô thị hóa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vốn đang chậm hơn so với các khu vực khác.