|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hệ lụy với kinh tế Mỹ khi lãi suất tăng lên 7%

15:40 | 04/10/2023
Chia sẻ
Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JP Morgan Jamie Dimon mới đây cảnh báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể còn lâu mới kết thúc chu kỳ nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

CEO JPMorgan, ông Jamie Dimon. (Ảnh: Getty Images).

Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JP Morgan Jamie Dimon mới đây cảnh báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể còn lâu mới kết thúc chu kỳ nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng Fed sẽ chỉ nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11/2023, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm từ mức hiện tại 5,25-5,5%.

Tuy nhiên, ông Dimon cho rằng Fed có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm nữa lên 7%. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ tháng 12/1990. Vào tháng 3/2022, khi Fed bắt đầu chu kỳ nâng lãi suất này, lãi suất khi đó ở mức 0,25-0,5%.

Ông Dimon đang củng cố thêm những bình luận mà ông đưa ra hồi tuần trước trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times of India, khi ông nhận định rằng thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho lãi suất ở mức 7%.

Theo dự báo mới nhất của Fed, các quan chức của ngân hàng này dự đoán sẽ chỉ có thêm một lần nâng lãi suất nữa trong năm nay, và sau đó lãi suất sẽ giảm xuống vào năm sau. Tuy nhiên, ông Dimon cho rằng người Mỹ cần chuẩn bị cho tình huống lãi suất tăng vọt.

Dù vậy, ông chưa thể đoán trước tác động của việc lãi suất tăng lên mức 7% đối với nền kinh tế. Theo ông, kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm, có thể suy thoái nhẹ, và cũng có thể suy thoái sâu hơn. Mức lãi suất 7% có thể làm giảm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ông Dimon nhận định có rất nhiều hậu quả xấu có thể xảy ra, nhưng kịch bản tệ nhất là đình lạm, tức tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao. Nếu điều đó xảy ra, "rất nhiều người sẽ chật vật".

Fed đã nâng lãi suốt 16 tháng qua để hạ nhiệt kinh tế Mỹ và kìm hãm lạm phát, nhưng cho đến nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn khá ổn. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Dimon cho biết người tiêu dùng vẫn đang tiêu tiền và họ thậm chí còn có nhiều tiền hơn so với trước đại dịch.

Tuy nhiên, CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này cho rằng có "hai cơn bão bất thường" có thể đổ bộ vào Mỹ. Một là chi tiêu công. Không tính thời chiến, chi tiêu của Chính phủ Mỹ hiện đang ở mức cao kỷ lục, kèm theo đó là thâm hụt ngân sách cũng rất cao. Theo ông Dimon, tình hình chi tiêu tài khóa như vậy trong dài hạn cũng sẽ kéo lạm phát đi lên, từ đó có thể góp phẩn đẩy lãi suất tăng

“Cơn bão” thứ hai là những căng thẳng địa chính trị. Ông cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động đến tất cả mối quan hệ trên toàn cầu, trong đó có thương mại Mỹ - Trung. CEO của JP Morgan nhận định quan hệ với Trung Quốc sẽ rất khó cải thiện cho đến khi xung đột tại Ukraine được giải quyết.

Khánh Ly

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.