|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hé lộ nhóm NĐT sẽ thiệt hại nặng nhất khi bơm trăm tỷ đồng đẩy giá TGG của Louis Capital

18:15 | 27/09/2021
Chia sẻ
Sau chuỗi ngày tăng phi mã, cổ phiếu TGG của Louis Capital đảo chiều lao dốc trong những phiên giao dịch gần đây khiến nhà đầu tư không thể cắt lỗ hay chốt lời dù lãi đậm. Theo tìm hiểu, NĐT cá nhân trong nước là nhóm giao dịch tích cực nhất cổ phiếu trùm trong "họ Louis".

TGG tăng giá hơn 70 lần kể từ đầu năm

Theo quan sát, cổ phiếu TGG của Louis Capital trở thành tâm điểm của thị trường trong những tháng gần đây. Từ một cổ phiếu có thị giá thuộc dòng "trà đá, cọng hành" dưới 1.000 đồng/cp,  TGG tăng phi mã sau khi được đổi tên từ CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang sang tên gọi mới - Louis Capital.

Thông tin lan truyền, "game" mua bán sáp nhập (M&A) là yếu tố khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Louis Capital sẽ lột xác. 

Trong nửa đầu năm nay, Louis Capital báo lãi ròng 42,31 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 7,84 tỷ đồng. Lợi nhuận trong nửa đầu năm nay chủ yếu từ việc hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 43,16 tỷ đồng.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh tích cực, Louis Capital đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2021 lên mức 350 tỷ đồng, lãi ròng kỳ vọng đạt 50 tỷ đồng, lần lượt gấp 5 lần và 25 lần so với kế hoạch đã được thông qua trước đó. 

Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông bất thường của Louis Capital đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, với khối lượng 30 triệu cp với giá phát hành 15.000 đồng/cp. 

TGG - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu TGG kể từ đầu năm 2021. Ảnh: TradingView.

Động thái tiếp theo được giới đầu tư quan tâm đó là Louis Capital liên tục thực hiện mua vốn tại các doanh nghiệp như Chứng khoán APG (5,06%), DAP - Vinachem (5,03%), SAMETEL (22,84%) và Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (10,37%). Trước đó, tổ chức này nắm giữ 4,6% của Angimex (Mã: AGM).

Câu chuyện thâu tóm loạt doanh nghiệp dựng lên và cổ phiếu TGG liên tục tăng trần. Trong nhiều phiên giao dịch của tháng 9, cổ phiếu TGG và mã chứng khoán doanh nghiệp liên quan đồng loạt tăng kịch trần chỉ sau ít thời gian giao dịch đầu phiên. Hiện tượng tăng giá của "họ Louis" khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên.

TGG đã mất thanh khoản, NĐT không thể cắt lỗ

Giống như giá cổ phiếu, số thành viên một nhóm trên mạng xã hội Facebook tập hợp những nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu "họ Louis" và những người quan tâm cũng tăng nhanh chóng, hiện đạt gần 12.000 người.

Hé lộ nhóm NĐT sẽ thiệt hại nặng nhất khi bơm trăm tỷ đồng đẩy giá TGG của Louis Capital - Ảnh 2.

Nhóm trên mạng xã hội của những NĐT giao dịch cổ phiếu "họ Louis". Ảnh chụp màn hình.

TGG tăng trần liên tiếp khiến nhiều NĐT không khỏi hưng phấn với những dòng trạng thái tung hô trên mạng xã hội. Một số nhân viên tư vấn đầu tư của các công ty chứng khoán còn "mơ" đến mức thị giá cao nhất thị trường của TGG.

Tiệc vui nào rồi cũng đến lúc tàn canh, sau khi tạo đỉnh tại mức giá 77.400 đồng/cp phiên 22/9, cổ phiếu TGG đảo chiều giảm sâu. Mã này đã có 3 phiên giảm sàn liên tiếp gần đây, đóng cửa phiên 27/9, giá TGG ở 60.300 đồng/cp, giảm 22% so với mức đỉnh.

Điều đáng nói, không chỉ giảm sâu, TGG còn mất thanh khoản trong những phiên gần đây. Đơn cử phiên 27/9, cổ phiếu này giảm sàn ngay từ đầu phiên và dư bán giá sàn hơn 1,7 triệu đơn vị. Tổng khối lượng giao dịch hôm nay chỉ đạt 9.800 đơn vị. 

Tình trạng trên đồng nghĩa rằng nhà đầu tư không thể cắt lỗ cổ phiếu TGG hay chốt lời dù có lãi đậm khi mua trước đó. Một câu hỏi được quan tâm đó là ai chịu thiệt hại nặng nề nhất khi TGG mất thanh khoản?

NĐT cá nhân trong nước chịu thiệt hại nặng nhất khi TGG lao dốc

TGG - Ảnh 2.

Giá trị mua và bán cổ phiếu TGG theo tháng của NĐT cá nhân. Ảnh: Hoàng Linh.

Theo người viết tổng hợp từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn về giao dịch hàng ngày. Dữ liệu giao dịch từ đầu tháng đến phiên 24/9, NĐT cá nhân trong nước chiếm 99% giá trị giao dịch của TGG.

Theo thống kê, trong trạng thái hưng phấn khi TGG liên tục tăng trần, giá trị mua và bán của NĐT cá nhân cũng đẩy mạnh. Ở tháng đầu năm giá trị mua và bán TGG của nhóm này lần lượt là 65,4 và 65 tỷ đồng. Giá trị này chỉ còn 21,3 và 21,2 tỷ đồng trong tháng 2.

Nhưng khi cổ phiếu TGG tăng mạnh kể từ tháng 7, giá trị giao dịch của NĐT cá nhân cũng liên tục tăng. Giá trị mua và bán cổ phiếu TGG trong tháng 7 là 172,4 tỷ đồng và 173,4 tỷ đồng. Con số này gấp 3 lần, lần lượt đạt 470 tỷ đồng và 471 tỷ đồng trong tháng 9 (tính đến phiên 24/9). 

Thống kê trên để thấy rằng NĐT cá nhân trong nước là nhóm thiệt hại nặng nhất khi cổ phiếu TGG chưa thể dừng đà lao dốc. Nhận định trên có phần phù hợp với cấu trúc cổ đông với phần đa là NĐT cá nhân của Louis Capital. 

Dữ liệu tại ngày 27/9, khối ngoại chỉ nắm giữ chưa đến 2% cổ phần của công ty. Trong đó, duy nhất cổ đông lớn tổ chức là Louis Holdings đang sở hữu 6,44% vốn của Louis Capital. Từ ngày 29/9 đến ngày 27/10, cổ đông lớn này sẽ mua vào 2 triệu cổ phiếu TGG. Liệu động thái này có "giải cứu" được TGG khỏi chuỗi giảm sàn vẫn còn là dấu hỏi.

Thông tin thêm, ngày 21/6, ông Đỗ Thành Nhân đã bán gần hết 1,4 triệu cổ phiếu TGG (tương đương 5,12%) vốn của Louis Capital. Tổng giá trị giao dịch là hơn 8,4 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 6.040 đồng/cp.

Hoàng Linh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.