|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hậu M&A ngân hàng đã bớt rối?

13:00 | 05/02/2018
Chia sẻ
Năm 2018, dường như câu chuyện M&A ngân hàng không còn làm nóng các trang tin tức tài chính, thay vào đó, người ta bàn đến sự sôi động của thị trường chứng khoán, các chỉ số liên tiếp xác lập kỷ lục, 5 năm, 7 năm rồi 10 năm. Cổ phiếu ngân hàng cũng không ngoại lệ trong làn sóng tăng điểm đó của thị trường.
 
hau ma ngan hang da bot roi Sáp nhập PG Bank vào VietinBank sẽ bất thành?
hau ma ngan hang da bot roi HSC: Ngành ngân hàng có nhiều triển vọng trong vài năm tới
hau ma ngan hang da bot roi Tín hiệu tích cực M&A ngân hàng

Nhà đầu tư mang trong mình vô vàn câu chuyện và kỳ vọng về cổ phiếu “vua” nay trở lại thời hoàng kim. Có người nói vui rằng 2018 là năm mệnh Thổ, Thổ sinh Kim nên sẽ là năm cổ phiếu ngân hàng “làm mưa làm gió” thị trường.

Mỗi cổ phiếu, mỗi cái tên ngân hàng là những chiếc gương phản chiếu đủ màu sắc của ngành, đặc biệt quá trình tái cơ cấu ngành đang ở giai đoạn 2.

Năm 2011, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 TCTD phi ngân hàng, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Một số TCTD phải đối mặt với nhiều khó khăn, nội tại hệ thống TCTD còn nhiều bất cập. NHNN chỉ rõ các TCTD cần hoạch định chiến lược phát triển, tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp hữu hiệu có thể lựa chọn là sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD.

Chỉ trong vòng 4 năm từ 2012-2015, đã có đến 7 thương vụ sáp nhập (M&A) với 16 ngân hàng thương mại, giảm bớt đi 10 ngân hàng sau đó, đưa tổng số NHTM tại Việt Nam về còn 20 cho đến nay.

hau ma ngan hang da bot roi
Nguồn: SBV

Nhắc đến những câu chuyện M&A ngành ngân hàng, thị trường không khỏi đau đáu những khối u nợ xấu, một ngân hàng khỏe mạnh nhận sáp nhập một ngân hàng yếu kém hơn liệu sau đó sẽ là một ngân hàng lớn tốt hơn hay yếu hơn? Muôn vàn câu hỏi về số phận của những ngân hàng sau sáp nhập, câu chuyện hòa nhập, hòa tan bộ máy quản trị, điều hành, văn hóa doanh nghiệp và tiếng nói chung của cổ đông…

Những gì đạt được trong năm 2017 liệu có là tín hiệu tươi sáng sau một quãng thời gian dài các ngân hàng này phải đối mặt với những rối bời M&A.

SCB với nỗi niềm cổ tức, ngóng tin bán 50% vốn cho nước ngoài

Cuối năm 2011, do mất khả năng thanh toán tạm thời 3 nhà băng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) đã được hợp nhất thành SCB, một trong năm ngân hàng TMCP có quy mô tài sản lớn nhất hiện nay. Từ năm 2012-2016, nhiệm vụ trọng tâm của SCB là tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu và kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Cũng bởi những nhiệm vụ này mà suốt hơn 10 năm qua, nhiều cổ đông SCB chưa nhận được một đồng cổ tức. Câu chuyện này liên tục làm nóng những phiên họp đại hội đồng thường niên nhiều năm liền của SCB. Đại diện NHNN phải lên tiếng nó rằng việc chia cổ tức cần bảo đảm hài hòa lợi ích cổ đông và an toàn hoạt động ngân hàng. Đối với SCB, nhiệm vụ tiên quyết là cần phải xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại để nâng cao năng lực tài chính.

Điểm đáng ghi nhận hậu sáp nhập giai đoạn 2012-2016 là việc SCB cải thiện tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cùng với giảm tỷ lệ nợ xấu nhanh chóng từ 7,25% xuống còn 0,68%. Tính đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu SCB là 0,43% vào cuối tháng 9/2017. Tuy nhiên, số dư trái phiếu VAMC cùng thời điểm là trên 24.780 tỷ đồng, trích lập dự phòng khoảng 3.524 tỷ đồng.

Ngoài cổ tức, việc bán 50% vốn SCB cho nhà đầu tư nước ngoài cũng rất đáng mong đợi trong năm nay. Thông tin gây sốt bởi đây là ngân hàng đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cho phép bán cổ phần chiếm tỷ lệ lớn cho nhà đầu tư ngoài. Thương vụ kỳ vọng mang về 700 triệu USD, giúp SCB tăng cường các sản phẩm tài chính và đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Nhiều nhà đầu tư ngoại được lãnh đạo SCB nhắc đến như các ngân hàng, quỹ cổ phần và các công ty bảo hiểm từ Na Uy, Indonesia, Đài Loan và Trung Quốc. Kế hoạch sẽ trình NHNN vào đầu 2018 và dự kiến hoàn tất trong năm.

Sacombank “lột xác” dưới bàn tay ông Dương Công Minh

Câu chuyện sáp nhập của sacombank có lẽ tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông ngành tài chính. Từ một ngân hàng nhỏ chỉ bằng 1/3, dù Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) mang tiếng bị nhận sáp nhập vào Sacombank, nhưng bộ máy quản trị và điều hành sau đó của Sacombank gần như được thay thế toàn bộ bởi những “cánh tay” của ông Trầm Bê (nguyên Chủ tịch Southern Bank). Chỉ trong vòng 2-3 năm, Sacombank từ một ngôi sao sáng giá của ngành ngân hàng đã phải nằm trong vũng lầy nợ xấu, kinh doanh sa sút, cổ phiếu lao dốc.

Đề án tái cơ cấu Sacombank sau hơn hai năm sáp nhập cuối cùng cũng được NHNN thông qua vào ngày 22/5/2017. Cùng với đó, sự xuất hiện của ông Dương Công Minh đánh dấu một trong những hành trình Sacombank “lột xác”.

Việc làm đầu tiên sau khi nhận vai trò cầm cương Sacombank là tuyên bố thưởng nóng 1 tháng lương cho hơn 17 nghìn cán bộ nhân viên ngân hàng. Kế đến là kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, ông Minh gần như thay thế hầu hết lãnh đạo cấp cao tại Sacombank cũng như các công ty con và thành viên.

Trái ngọt ban đầu cho nửa năm đầu thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank là lợi nhuận sau thuế lấy lại mốc nghìn tỷ. Sacombank xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua đấu giá bất động sản là tài sản bảo đảm liên quan, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm thần tốc từ 6,91% vào đầu năm về còn 3,75% cuối năm.

Không những vậy, cổ phiếu sau chuỗi thời gian dài dưới mệnh giá đã nhanh chóng bứt phá lấy lại mốc cao trong gần 4 năm qua.

hau ma ngan hang da bot roi
Biểu đồ cổ phiếu STB từ khi sáp nhập đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Năm 2018, Sacombank dự kiến xử lý số nợ xấu tương đương 2017. HĐQT Ngân hàng cũng sẽ bầu bổ sung thêm 1 thành viên để kiện toàn bộ máy.

BIDV trong cuộc đua với Vietcombank

Câu chuyện hậu sáp nhập của BIDVvà MHB diễn ra nhanh chóng trong vòng chưa đầy 2 tháng vào năm 2015, nhưng mãi đến nay vẫn là nỗi hoài thức khi BIDV liên tục bị mang ra so sánh với ngân hàng tương đương là Vietcombank. Trước thời điểm sáp nhập, quy mô tài sản của BIDV và VCB chênh nhau mười mươi, lợi nhuận cũng xê xích nhau, thậm chí có thời điểm BIDV vượt mặt Vietcombank về khoản này.

Sau khi Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào BIDV, thương hiệu MHB biến mất. BIDV bành trướng quy mô thêm 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch.

Theo đó, BIDV nâng quy mô tài sản vượt trên 25% Vietcombank, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cao hơn 35%, nhưng với hiệu quả quản lý chi phí thấp đã khiến kết quả lợi nhuận trước thuế của BIDV cách xa Vietcombank rất nhiều. Điển hình là năm 2017, mức lãi lịch sử 8.800 tỷ đồng của BIDV thấp hơn tới hơn 20% Vietcombank.

hau ma ngan hang da bot roi
Thị giá cổ phiếu BID và VCB từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDirect).

HDBank mở đầu xu hướng M&A tự nguyện giữa các TCTD

Niêm yết vào đầu năm nay, chỉ sau 1 tháng cổ phiếu HDBank đã tăng gần 40%. Đây được xem là mẫu hình M&A thành công trong giới ngân hàng. Bởi năm 2013, HDBank chủ động nhận sáp nhập DaiABank. Đây là thương vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên của hai ngân hàng không thuộc diện yếu kém. Song song đó, HDBank mua lại 100% vốn Công ty Tài chính - Tiêu dùng của Cộng hoà Pháp đầu tư tại Việt Nam - Công ty tài chính Việt-Société Générale (SGVF) và trở thành công ty con của HDBank mang tên HDFinance.

Năm 2015, với việc hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Tài chính hàng đầu của Nhật Bản, Credit Saison thông qua việc đầu tư vào HDFinance và đổi tên thành HD Saison.

Có thể nói HDBank đã mở đầu xu hướng M&A tự nguyện giữa các TCTD tại Việt Nam. Nhờ đó HDBank luôn duy trì cổ tức đều đặn qua các năm. Đồng thời tập trung phát triển những nền tảng sẵn có và tận dụng thế mạnh của hệ sinh thái gồm HDBank - HDB Saison - Vietjet Air, sau 5 năm HDBank nhanh chóng góp mặt vào những ngân hàng lãi nghìn tỷ trên thị trường.

hau ma ngan hang da bot roi
Thị giá cổ phiếu HDBank sau 1 tháng niêm yết. (Nguồn: VNDirect).
hau ma ngan hang da bot roi
Lợi nhuận sau thuế và tỷ lệ nợ xấu HDBank giai đoạn 2013-2017. *Báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán

Cổ đông Maritime Bank “sợ”niêm yết

Có lẽ là ngân hàng có sự tương đồng với HDBank khi nhận sáp nhập một ngân hàng và một công ty tài chính. Tuy nhiên, những năm đầu sau sáp nhập, Maritime Bank vẫn trong công cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ, tập trung xây dựng nền tảng quản trị rủi ro, duy trì sự ổn định hoạt động kinh doanh.

Sang 2017, tức sau 5 năm sáp nhập, Maritime Bank mới bắt đầu “ngỏ lời” chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Đồng thời, Ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập dự phòng, đặt mục tiêu xử lý 7.015 tỷ đồng (nợ rủi ro, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC) và đến cuối năm duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Song, khi đối diện với việc niêm yết trên sàn chứng khoán thì cổ đông Maritiem Bank lại khá rụt rè, bằng chứng là chỉ khoảng 3% cổ đông tại đại hội thường niên 2017 đồng ý việc lên sàn. Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng thừa nhận thị giá cổ phiếu khá thấp trên thị trường, bởi sự tác động của tình hình kinh tế và trong năm vừa qua đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Cổ phiếu của MSB sau khi lên sàn thì mới xác định được giá trị chính thức.

hau ma ngan hang da bot roi
Tình hình kinh doanh của MSB giai đoạn 2013 - 9T/2017

Năm qua, thị trường vẫn đang chờ thương vụ sáp nhập giữa PGBank và Vietinbank, trong khi Saigonbank và Vietcombank, Eximbank và Nam A Bank, LienVietPostBank và Sacombank sau nhiều ồn ào đã không có thương vụ M&A nào diễn ra. Một số ngân hàng cũng đánh tiếng về khả năng nhận sáp nhập những tổ chức tín dụng khác để tăng quy mô như MBBank hay Maritime Bank.

Các chuyên gia của World Bank nhấn mạnh, sự thành công của mỗi thương vụ M&A giữa các ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, nền kinh tế, xã hội. Việt Nam muốn tạo ra những ngân hàng tầm cỡ ngang các ngân hàng trong khu vực, cần hết sức thận trọng trong cách đánh giá tiền sáp nhập cũng như chiến lược điều hành ngân hàng hậu sáp nhập, chứ không chỉ là “bài toán 1 cộng 1 bằng 2 đơn thuần”.

Tiến Vũ