Hành trình trở thành ông chủ thương hiệu sơn nước nổi tiếng của chàng kĩ sư tư vấn bảo hiểm ở miền Trung
Tốt nghiệp một trường kĩ thuật nhưng vì mê kinh doanh, Mai Văn Hiền theo nghề bảo hiểm. Nhờ chịu khó tạo dựng quan hệ, sự nghiệp bảo hiểm của anh khá thành công, mang lại cho anh khoản thu nhập lớn, tạo điều kiện cho anh đầu tư sang một số lĩnh vực khác.
Chuyên viên tư vấn bảo hiểm bước chân vào thị trường sơn nước
Năm 2011, bên cạnh công việc bảo hiểm, Hiền nhận làm tổng thầu cho một nhà sản xuất sơn nước ở miền trung, chịu trách nhiệm hoàn toàn từ sản xuất tới phân phối ra thị trường. Càng dấn sâu vào lĩnh vực sơn nước, anh càng say mê, song cũng phát hiện rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Khoảng hơn 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn đang cạnh tranh ở Việt Nam. Đa số thương hiệu sơn lớn của thế giới đều xuất hiện tại Việt Nam khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng sôi động.
Một báo cáo của Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam cho thấy, trong 5 năm gần đây, sơn ngoại dù ít doanh nghiệp tham gia nhưng chiếm 65% thị trường Việt Nam, sơn nội chỉ chiếm 35%.
Giới chuyên gia nhận định thị trường sơn và chất phủ hiện nay phát triển khá nhanh và mạnh mẽ. Với mặt hàng sơn trang trí khi chọn lựa cho các công trình, chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính sẽ cân nhắc giữa giá cả, chất lượng và tính phù hợp (độ phủ, chống rạn nứt, tự làm sạch, chống thấm…) trong khi chủ nhà sẽ chọn nhãn hiệu thông qua quảng cáo hoặc theo sự tư vấn của nhà thầu và thợ sơn để chọn được loại sơn có giá cả phù hợp, chất lượng cho ngôi nhà của họ.
Qui trình sản xuất là yếu tố rất quan trọng đối với chất lượng sơn. Song hãng sơn mà Hiền đang hợp tác lại không áp dụng công nghệ hiện đại vào qui trình sản xuất. Máy móc của họ tương đối lạc hậu và hoạt động sản xuất vẫn mang tính thủ công, phụ thuộc kinh nghiệm và thái độ làm việc của công nhân. Thực tế đó khiến nhà sản xuất không thể tự chủ trong khâu kiểm soát chất lượng.
Hơn nữa, sơn nước có hàng nghìn màu sắc, và khách hàng vẫn phải chọn màu bằng phương pháp thủ công.
“Càng lăn lộn với thị trường, tôi càng nhận ra rằng, nếu công ty không ứng dụng công nghệ vào sản xuất, không nâng cao chất lượng, chúng tôi sẽ rất khó cạnh tranh và mở rộng thị trường”, Hiền thổ lộ.
Nhận thức rõ vấn đề, năm 2016, Hiền đề nghị nhà sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa qui trình sản xuất để cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty không quan tâm ý kiến của anh.
Không nản, Hiền tiếp tục tìm hiểu thực trạng chung, và sửng sốt nhận ra rằng thờ ơ với công nghệ là điểm chung của phần lớn doanh nghiệp sơn thời đó. Phần lớn doanh nghiệp sơn vẫn duy trì dây chuyền sản xuất cũ và bán hàng theo kiểu truyền thống.
Ý tưởng tự sản xuất sơn để kiểm soát chất lượng
Hiện trạng chung của ngành và tiềm năng thị trường đã thôi thúc Hiền nghĩ tới việc thành lập doanh nghiệp sản xuất sơn nước với dây chuyền và công nghệ hiện đại.
Đúng lúc Hiền tập trung tối đa nỗ lực bán hàng để tích lũy vốn cho kế hoạch khởi nghiệp, tình hình kinh doanh của anh lại sa sút do số lượng khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ tăng dần.
Chẳng hạn, khách hàng khiếu nại về tình trạng sơn lên màu không đều, màu sơn không đúng như mô tả trong đơn hàng, vận chuyển chậm, sơn bong tróc trên bề mặt công trình. Nhiều khách hàng đòi công ty bồi thường thiệt hại.
Dù Hiền đã bồi thường cho khách hàng, anh không thể giữ chân họ. Phần lớn khách hàng mua sơn của doanh nghiệp khác, đồng thời nhiều đại lí ngừng kinh doanh. Một lượng hàng lớn của Hiền tồn kho trong nhiều tháng.
Không thể bán hàng, không giải quyết nổi công nợ, hàng loạt nhân sự của Hiền thôi việc khiến tình hình càng rối ren hơn. Uy tín mà Hiền gây dựng ở miền trung trong nhiều năm giảm nghiêm trọng.
Đoạn video giới thiệu về Mai Văn Hiền trong chương trình "CEO: Chìa khóa thành công" của kênh VTV1. Video: VTV1
Trước hoàn cảnh ngặt nghèo, Hiền hiểu rằng anh phải áp dụng công nghệ vào sản xuất và bán hàng sớm hơn so với kế hoạch.
Một mặt, Hiền cử một nhóm nhân viên tập trung vào việc đồng hành với nhà sản xuất để cải thiện chất lượng sơn nước. Một nhóm nhân viên khác tập trung mở rộng hệ thống đại lí tới các địa phương để đẩy lượng hàng tồn.
Mặt khác, anh xúc tiến quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất sơn nước theo công nghệ hiện đại. Để thúc đẩy dự án, anh vay vốn từ nhiều nguồn, tuyển dụng thêm nhân sự.
"Đích thân tôi đã đến nhiều nhà máy trong và ngoài nước để tham quan, học hỏi, đồng thời tìm đối tác cung ứng nhiên liệu, máy móc, công nghệ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khảo sát lại thị trường để nắm thật chắc nhu cầu của khách hàng", anh kể.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất sơn nước
Khi quá trình chuẩn bị đã hoàn tất, Hiền chuyển giao thị trường sơn miền Trung cho một cộng sự để thành lập Công ty Cổ phần Quốc tế AIG. Anh khởi động dự án xây dựng nhà máy sản xuất sơn nước mang thương hiệu Vnmax. Điểm mấu chốt trong sản xuất của anh là công nghệ sẽ hiện diện trong mọi khâu - từ quản lí nguyên liệu, sản xuất, đặt hàng, chăm sóc khách hàng, cập nhật thông tin phản hồi.
AIG đã nghiên cứu và sản xuất 16 loại sơn với hơn 1.000 màu với chất lượng vượt trội ở cả thị trường Việt Nam và quốc tế", anh nói.
Ngoài ra, AIG cũng tận dụng triệt để ứng dụng (app) và trang web để tương tác với khách hàng, giúp họ tìm sản phẩm và thông tin liên quan một cách dễ dàng.
Vị tổng giám đốc nói sản phẩm của công ty đã hiện diện ở các tỉnh, thành phố ở miền Trung. Mục tiêu của công ty trong năm 2020 là phủ sóng cả nước và tiến ra nước ngoài.
"Tôi hi vọng với chiến lược áp dụng công nghệ 4.0, đổi mới qui trình sản xuất, kinh doanh, thương hiệu sơn Vnmax sẽ góp phần tạo ra những điểm sáng cho ngành sơn nước nhà", anh Hiền nhấn mạnh.