Hành trình khởi nghiệp của kĩ sư sản xuất gạch không nung đầu tiên ở Việt Nam
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thông theo con đường khoa học, Đinh Hồng Kỳ đam mê nghiên cứu từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh làm việc cho một công ty nhà nước và cũng tham gia điều hành Secoin, một doanh nghiệp do người cha là giáo sư Đinh Xuân Bá thành lập.
Sự nghiệp thuận lợi của kĩ sư Bách Khoa
Năm 1990, Hồng Kỳ sang Ba Lan để đảm nhiệm vị trí đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại, thực hiện những hợp đồng ngoại thương lớn cho nhà nước. Bên cạnh đó, anh cũng tranh thủ đưa máy tính từ Ba Lan sang Nga để bán, đổi hàng lấy dây cáp điện ở Nga rồi mang về Việt Nam, giao dịch hàng trả nợ giữa Việt Nam với các nước Đông Âu.
"Ngoài ra, tôi gom hàng dệt may ở Việt Nam xuất qua Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary", anh kể.
Năm 1995, Hồng Kỳ về nước làm giám đốc Secoin, còn giáo sư Đinh Xuân Bá làm chủ tịch công ty. Hồi ấy, nền kinh tế bắt đầu mở cửa, nên nhu cầu về công nghệ, kĩ thuật rất lớn. Công ty tập trung vào hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế về Việt Nam.
Kinh nghiệm chuyển giao công nghệ của Hồng Kỳ cho thấy công nghệ gạch không nung đang phát triển trên thế giới, nhưng phần lớn gạch xây dựng ở Việt Nam vẫn là gạch nung.
Năm 1996, Hồng Kỳ mở xưởng sản xuất gạch không nung ở Hà Nội. Cha, mẹ anh đều phản đối vì chỉ muốn công ty tập trung vào dịch vụ. Hơn nữa, họ nhận định sản xuất là khâu đầu tiên trong chuỗi dịch vụ nên lợi nhuận tương đối thấp.
Tin tưởng vào triển vọng của gạch không nung và muốn chớp thời cơ khi mọi người còn đang dè dặt, đồng thời muốn tạo sản phẩm cốt lỗi cho Secoin và mang lại giá trị cao hơn cho xã hội, nên Hồng Kỳ quyết tâm thực hiện kế hoạch.
Nắm chắc công nghệ, sản xuất những loại gạch đa dạng và mang tính tiên phong, xây dựng đội ngũ nhân sự giỏi nên chỉ trong vòng chưa tới một năm, Secoin đã cung cấp gạch không nung cho nhiều công trình lớn ở miền Bắc và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Thách thức khi chinh phục thị trường miền Nam
Với sự ủng hộ của cha mẹ, sự đồng hành của chị gái và vợ, Hồng Kỳ đã biến Secoin thành thương hiệu vật liệu xây dựng hàng đầu, và nhận nhiều giải thưởng cao quý. Năm 2002, công ty quyết định chinh phục thị trường miền Nam.
"Nếu nỗ lực chinh phục thị trường phía nam thành công, Secoin sẽ vươn lên một tầm vóc mới", Hồng Kỳ nhận định.
Mặc dù vậy, hành trình xâm nhập thị trường miền Nam không đạt kì vọng. Suốt nhiều năm, Secoin tiêu thụ sản phẩm chậm ở miền Nam và thương hiệu không thể lan tỏa ở đây. Anh dành rất nhiều thời gian để vào miền Nam và hỗ trợ các cộng sự, song kết quả vẫn không khả quan.
Trăn trở với tình thế tiến thoái lưỡng nan, Hồng Kỳ nhận ra rằng sai lầm của anh là áp dụng tư duy của người Bắc để sản xuất, tiếp thị và bán sản phẩm cho người miền Nam trong khi chưa thực sự hiểu tâm lí, nhu cầu của họ.
Giải pháp duy nhất là Hồng Kỳ vào miền Nam để trở thành một phần của cuộc sống trong đó. Chỉ khi nào anh thực sự tư duy và có tâm lí như người miền Nam, anh mới có thể bán sản phẩm cho họ.
Song lúc ấy Hồng Kỳ đã sắp bước sang tuổi 45, hoạt động kinh doanh ở miền Bắc vẫn rất thuận lợi, và mọi người thân của anh đều ở Hà Nội. Nếu anh vào miền Nam, cuộc sống mới sẽ vất vả hơn và anh sẽ không thể điều hành sát sao hoạt động kinh doanh ở thị trường miền Bắc. Vị doanh nhân ở độ tuổi tứ tuần đứng trước một lựa chọn rất khó khăn.