|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình định vị thương hiệu Asanzo của 'cá mập' Phạm Văn Tam

15:38 | 19/04/2019
Chia sẻ
Khi thị trường tivi gần như thuộc về các tên tuổi quốc tế như Sony, Samsung, LG, thương hiệu điện tử Asanzo của doanh nhân Phạm Văn Tam lại định vị chỗ đứng trên thị trường nhờ vào chất lượng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt.

Định vị thương hiệu ở phân khúc giá rẻ

Thành lập Asanzo từ cuối năm 2013 với vốn điều lệ 400 tỉ đồng, anh Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, đã xác định phân khúc thị trường riêng bằng việc sản xuất tivi giá rẻ có màn hình nhỏ, tập trung phục vụ khu vực nông thôn.

Chia sẻ với TheLeader, doanh nhân 8x này trải lòng, trước đây người nông dân gần như không có cơ hội sở hữu các thiết bị điện máy tiên tiến như tivi, máy lọc nước, máy lạnh vì điều kiện kinh tế chưa cho phép và khả năng tiếp cận hệ thống bán hàng, hậu mãi rất khó khăn.

Đó cũng là lý do ngay khi ra đời, Asanzo tìm cách khắc phục những hạn chế bằng cách thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của bà con như dòng tivi LCD có tích hợp bình ắc-quy hay tivi LED kích thước nhỏ dưới 30 inch.

Đến nay, chỉ sau 5 năm thành lập, từ một doanh nghiệp sản xuất tivi quy mô nhỏ, Asanzo đã vươn mình trở thành một tập đoàn điện tử lớn mạnh, đứng top 3 thị trường trong nước. Asanzo hiện có hơn 70 dòng sản phẩm trải dài từ phân khúc bình dân đến cận cao cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng Việt với số lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày khoảng 1.500 tivi.

Doanh nghiệp này từng công bố, kể từ khi thành lập đến nay, tốc độ tăng trưởng của Asanzo luôn đạt trên 40%. Hiện Asanzo có 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc. Năm 2018, Asanzo đạt doanh thu 6.250 tỉ đồng với hơn 4 triệu sản phẩm các loại được bán ra.

Hành trình định vị thương hiệu Asanzo của cá mập Phạm Văn Tam  - Ảnh 1.

Anh Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo tại nhà máy sản xuất tivi. Ảnh: Asanzo

Lấn sân sang thị trường điện thoại

Khi lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng của Asanzo đã có thương hiệu và thị phần ổn định, doanh nhân Phạm Văn Tam quyết định "khởi nghiệp" sang lĩnh vực điện thoại.

Bằng chứng là vào tháng 7/2017, Asanzo chính thức ra mắt dòng điện thoại đầu tiên mang thương hiệu riêng sau hơn một năm chuẩn bị. Anh Phạm Văn Tam đặt kỳ vọng thương hiệu sẽ chiếm 1 - 5% thị phần của thị trường smartphone có quy mô khoảng 7 tỉ USD.

Chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn online, anh Tam từng nói, khi chuyển sang mảng điện thoại, gần như ai cũng đang xem Asanzo sẽ làm như thế nào. Nhưng anh chấp nhận hi sinh 3 năm đầu tiên để lấy TV nuôi điện thoại. 

Bởi theo CEO Asanzo, điện thoại đang có dư địa rất lớn, nhưng rẻ quá chưa chắc đã tốt. Làm sao để xây dựng lòng tin trong người tiêu dùng để họ tự tin sử dụng sản phẩm là điều băn khoăn của anh Tam.

Sau 7 - 8 tháng ra mắt, sản phẩm điện thoại của Asanzo đang trên đà xây dựng hệ thống khá tốt. Với hệ thống khoảng 8.000 cửa hàng và khoảng 50% trong đó bán điện thoại và 20% muốn chuyển sang bán thêm điện thoại, anh Tam chia sẻ.

Đặc biệt, Chủ tịch Asanzo thẳng thắng nói rằng, cả anh vàg đội ngũ gần 2.000 nhân viên luôn trong trạng thái "khởi nghiệp", nghĩa là luôn thay đổi, sáng tạo, tìm cái mới để luôn áp dụng cho sản phẩm phù hợp hơn với người dùng.

Hành trình định vị thương hiệu Asanzo của cá mập Phạm Văn Tam  - Ảnh 2.

Chân dung người sáng lập Tập đoàn Asanzo và là sẽ là "cá mập" mới trong Shark Tank mùa 3. Ảnh: Asanzo.

Trở thành nhà đầu tư

Không chỉ tự khởi nghiệp, Chủ tịch Asanoo còn rất quan tâm đến những startup làm ra sản phẩm phục vụ người dân Việt Nam, đặc biệt là đối tượng bình dân. 

Chia sẻ với Diễn đàn đầu tư - kinh doanh, anh Tam cho biết, Asanzo có thể chi hơn 5 triệu USD cho một hoặc nhiều startup. "Tôi muốn đưa vài dự án khởi nghiệp vào các ngành hàng của mình. Vì chúng tôi đã có nền tảng, việc phát triển thêm sản phẩm khác không khó khăn", anh Tam khẳng định.

Startup muốn gọi vốn có thể tìm đến nhà đầu tư trong nước trước, thay vì nước ngoài, bởi: "Các bạn cứ nghĩ nước ngoài mới đầu tư được nhưng thường phải chờ đợi rất lâu và không dễ tiếp nhận. Họ phải chờ bạn thật sự tạo dấu ấn trên thị trường. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án".

Hành động "quan tâm" đến startup của ông chủ Asazon mới nhất chính là việc Asanzo công bố thành lập một quỹ đầu tư khởi nghiệp với tổng số vốn 200 tỉ đồng để tham gia chương trình Shark Tank – Thương vụ Bạc Tỷ mùa 3. 

Quỹ khởi nghiệp Asanzo sẽ ưu tiên cho các startup tiềm năng thuộc các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái sản phẩm của Asanzo như điện tử, công nghệ, phần mềm, phần cứng hoặc trí tuệ nhân tạo. Chia sẻ tại buổi giới thiệu, Chủ tịch Asanzo cho hay: "Cách nhanh nhất để các startup tiếp cận được quỹ đầu tư của Asanzo chính là tham gia chương trình Shark Tank".

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.