|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học trị giá 100 tỷ đồng và nỗi lo của ông chủ tập đoàn Asanzo

17:05 | 18/04/2019
Chia sẻ
Không được đào tạo bài bản về bất kỳ lĩnh vực nào nên anh Tam lo rằng khi doanh nghiệp phát triển lên một tầm mới, anh sẽ trở nên lạc hậu, không đủ khả năng vận hành hợp lý.

Lỗ 100 tỷ đồng khi sản xuất smartphone giá rẻ

Khi giao lưu với sinh viên Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) vào sáng ngày 3/10 năm ngoái, trong khuôn khổ chương trình University Tour của Startup Việt 2018, anh Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo thẳng thắn chia sẻ câu chuyện thất bại với dòng smartphone đầu tiên, Z5 và S5 năm 2017. Với giá chỉ 1-2 triệu đồng, sản phẩm được đánh giá vừa tầm với đại đa số người Việt. Nhưng khi tung ra thị trường, điện thoại phát sinh lỗi phần mềm, cấu hình

"Chúng tôi phải dừng vì điện thoại phát sinh nhiều lỗi, và trả giá cho sự non nớt, thiếu kinh nghiệm ở mảng sản xuất điện thoại thông minh", anh Tam phát biểu.

Chủ tịch Asanzo thừa nhận điện thoại thông minh của ông không chinh phục thị trường do yếu về công nghệ, thiết kế rườm rà, chưa đáp ứng nhu cầu thiết thực nhất của người dùng. Các ứng dụng, tính năng lạc hậu so với nhu cầu của giới trẻ hiện đại. Cái giá phải trả là khoản lỗ 100 tỷ đồng chỉ cho riêng hai mẫu đầu tiên.

Bài học trị giá 100 tỷ đồng và nỗi lo của ông chủ tập đoàn Asanzo - Ảnh 1.

Chủ tịch Asanzo kiểm tra màn hình tivi trong xưởng. Ảnh: Asanzo

Thất bại khi làm smartphone của Asanzo là minh chứng cho câu chuyện doanh nghiệp, nhất là các startup, luôn phải học hỏi và cải tiến bản thân. Với các bạn sinh viên, ông chia sẻ một trong những yếu tố quan trọng nhất khi khởi nghiệp là sự kiên trì, bản lĩnh không sợ thất bại và tinh thần dám bước tiếp sau những lần vấp ngã.

Sau khi nhận thất bại đầu tiên, Asanzo vẫn tiếp tục phát triển smartphone S2, S3 và S3 Plus, theo đuổi phân khúc điện thoại thông minh đầy đủ tính năng với giá thành rẻ phục vụ học sinh, sinh viên.

"Trong suốt thời gian gây dựng sự nghiệp, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu lần trở về tay trắng, thậm chí muốn tự tử. Nhưng sau đó lại dặn lòng phải bước tiếp. Đến giờ, tôi phải cảm ơn những lần phá sản đã cho tôi những kinh nghiệm, bài học để gây dựng Asanzo", ông Tam nói.

Đề cao vai trò của quá trình làm thuê đối với người khởi nghiệp

Tiếp xúc với nhiều người trẻ, dự án và ý tưởng khởi nghiệp trong 3 năm qua, anh Tam nhận thấy một trong những vấn đề lớn nhất của họ là đều nặng về lý thuyết nhưng lại thiếu sự va chạm thực tế cần thiết. Không nắm vững cách vận hành một doanh nghiệp, bạn trẻ không thể biến ý tưởng trên giấy thành sản phẩm thực cung cấp cho thị trường.

Người đứng đầu Asanzo khuyên sinh viên trước khi muốn khởi nghiệp nên tìm hiểu kỹ càng, xác định bản thân có phù hợp với ngành và đam mê đã đủ lớn hay chưa. Khi đã xác định mục tiêu, họ cần bắt đầu quá trình "làm thuê để làm chủ" trong một doanh nghiệp hoặc tổ chức trong lĩnh vực mà họ muốn theo đuổi. 

"Nếu muốn làm chủ, hãy bắt đầu với một bảng kế hoạch 'làm thuê' cụ thể. Trong đó bạn nên xác định rõ bản thân sẽ làm nhân viên trong bao lâu, cần tích lũy những kinh nghiệm gì, học hỏi cách vận hành, quy trình sản xuất, cách xây dựng và phát triển thị trường, cách đối nhân xử thế ra sao?...", anh giải thích.

Làm thuê cũng là cách anh khởi đầu hành trình lập nghiệp của mình. Trước khi đứng ra tự kinh doanh, Phạm Văn Tam đã có vài năm làm công việc áp tải và giao hàng điện tử ở TP.HCM và Bình Dương. Tại đây, anh học được nhiều điều từ cách tổ chức và vận hàng một doanh nghiệp điện tử, đến xây dựng và phát triển thị trường, hay cách đối nhân xử thế với nhân viên, khách hàng, đối tác… Đó là tiền đề để anh tự tin xây dựng doanh nghiệp riêng sau này.

Lo bản thân lạc hậu khi công ty lên tầm cao mới

Nhiều doanh nghiệp lo rằng khi công việc kinh doanh lên đỉnh cao quá, họ sẽ gặp khó khăn, vì theo quy luật phát triển của hình sin lên rồi sẽ xuống. Đó cũng là nỗi lo thường trực của Phạm Văn Tam. Anh không lo tụt hậu với thị trường, mà lo hoạt động quản trị, điều hành không hiệu quả. 

"Điểm bất lợi là tôi điều hành nhiều lĩnh vực, từ tổ chức sản xuất đến kinh doanh, nên nếu sức khỏe tôi không tốt hoặc khi tôi gặp vấn đề gì đó thì tình hình sẽ khó lường", anh nói với Zing.vn.

Bài học trị giá 100 tỷ đồng và nỗi lo của ông chủ tập đoàn Asanzo - Ảnh 2.

Doanh nhân Phạm Văn Tam và các công nhân trong nhà máy sản xuất tivi. Ảnh: Asanzo

Không được đào tạo bài bản về bất kỳ lĩnh vực nào nên anh Tam cũng lo rằng khi doanh nghiệp phát triển lên một tầm mới, anh sẽ trở nên lạc hậu, không đủ khả năng vận hành hợp lý.

Doanh nhân thành công 8X khẳng định anh sẽ không rơi vào trạng thái tự mãn khi "lên cao". Bản thân anh không phải là người dễ tự mãn, thích hưởng thụ. "Tôi mới 39 tuổi và lao động vất vả tf thời mới 18-20 tuổi, cũng trải qua nhiều thất bại nên tôi luôn muốn phấn đấu, truyền lửa cho lớp kế cận để cùng phát triển", anh nói.

Không nên chờ đủ tiền mới khởi nghiệp

Tại sự kiện "Toàn cảnh bức tranh huy động vốn" trong khuôn khổ chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức vừa diễn ra tại TP HCM vào tối 10/9, chủ hãng tivi Việt Phạm Văn Tam kể rằng khi tiếp xúc các startup ông luôn nhận câu hỏi "Lấy tiền ở đâu để khởi nghiệp?". Chủ tịch Asanzo cho rằng nếu quá cầu toàn, chờ đợi đến khi kiếm đủ tiền mới bắt đầu startup thì ý tưởng đã lạc hậu. Điều quan trọng với người khởi nghiệp là có đam mê, xác định đúng mục tiêu và tạo được uy tín.

"Có thể bạn nghĩ rằng bây giờ tôi thành công thì nói chuyện này rất dễ nhưng thực tế là tôi đã khởi nghiệp vài chục lần mà có lúc không có đồng nào trong tay", ông Tam nói.

Nêu ví dụ cụ thể về việc tìm nguồn vốn đầu tư, ông Tam cho biết số tiền ban đầu ông có nhờ từ vay mượn người thân, bạn bè. Cho dù lúc chuẩn bị ra dự án làm tivi, mọi người xung quanh đều ngăn cản nhưng ông quyết chí làm bởi tin tưởng thế mạnh của bản thân là ngành điện tử. Dù không hoàn toàn ủng hộ về mặt ý tưởng nhưng người thân, bạn bè vẫn quyết định hậu thuẫn một phần về mặt tài chính vì tin tưởng vào uy tín mà ông Tam đã gây dựng trong thời gian dài.

"Tôi cũng thuyết phục đại lý cho ứng trước, đảm bảo tivi của tôi sẽ khác biệt để tạo khả năng cạnh tranh cho họ. Tất nhiên, việc có thể được cho mượn nợ phụ thuộc vào uy tín mà bạn xây dựng với đối tác của mình, nó đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên trì", ông Tam nhấn mạnh.

Khi mới bắt đầu, khách hàng khó đặt niềm tin vào startup, nhất là trong ngành hàng điện tử. Người tiêu dùng thường nghe theo tư vấn từ đại lý vốn có kinh nghiệm bán hàng nhiều năm chứ ít để ý đến một hãng hay thương hiệu hoàn toàn mới. Vì thế khởi nghiệp có thể đặt mục tiêu lớn nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, mà trước tiên là giữ uy tín với đối tác của mình. Nếu đã tạo dựng được uy tín, trong tương lai sẽ có cơ hội phát triển.

"Đừng bao giờ chờ đợi đến khi đủ tiền mới thực hiện vì bạn sẽ không bao giờ chờ nổi hoặc ý tưởng sẽ trở nên lỗi thời theo thời gian. Thay vào đó, hãy tìm ra đam mê và mục đích khởi nghiệp thật sự của mình là gì. Chính sự đam mê và nhiệt huyết ấy có thể dẫn lối các nhà đầu tư đến với bạn. Việc kêu gọi vốn không phải là dễ dàng nhưng đam mê và sự kiên trì với niềm tin của mình có thể mang đến một khoản đầu tư mà bạn đang cần", CEO Asanzo đưa ra lời khuyên.

Có nhiều bạn trẻ tìm đã đến ông Tam để thuyết phục đầu tư nhưng chỉ một vài lần là "lặn mất tăm hơi", điều đó chứng tỏ họ không kiên trì. Không phải ngay lập tức mà nhà đầu tư có thể hiểu ngay về dự án của bạn mà cần có nhiều thời gian để hiểu sâu hơn. Chẳng nhà đầu tư nào dại dột rót tiền vào dự án mà mình không hiểu, mỗi người đều có sự thận trọng của riêng mình.

Nhạc Dương

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.