Hành trình 25 năm tạo ra hạt gạo ngon nhất thế giới
Kỹ sư Hồ Quang Cua bên cánh đồng lúa thơm ST
Lần đầu tiên, gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới với giống lúa ST25. Người góp công lớn vào thành quả này, nâng tầm giá trị gạo thơm Việt Nam là Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, Trưởng nhóm nghiên cứu chọn tạo lúa ST.
Chặng đường 25 năm lai tạo
Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua (SN 1953) sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Đông, TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Năm 1978, ông tốt nghiệp ngành kỹ sư trồng trọt Đại học Cần Thơ. Sau đó, ông về công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên. Qua quá trình phấn đấu, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.
Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ, để tạo ra hạt gạo thơm Sóc Trăng như: ST3, ST5... ST24, ST25 có đặc điểm chung là hạt thon dài, trắng trong, không bạc bụng, dẻo, có vị ngọt và mùi thơm lâu, cách đây hơn 20 năm, ông và các cộng sự (TS. Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và Ths. Nguyễn Thị Thu Hương) tham gia nhóm nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL và trường Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan.
Đặc biệt, khi viết địa chí cho tỉnh Sóc Trăng, ông phát hiện các tài liệu cho thấy, Sóc Trăng là một vùng đất có thể trồng được gạo ngon.
Tiếp tục miệt mài nghiên cứu, ông và cộng sự nhận thấy rằng, lúa thơm khi trồng ở vùng đất phèn, mặn thuộc khu vực huyện Vĩnh Châu và khu vực ven biển Đông có tính chống chịu tốt hơn giống lúa mà những nhà nghiên cứu từ thời Pháp chọn, lai tạo ra với phẩm chất rất ngon.
Cuối năm 1997, kỹ sư Cua nhận được thông tin ở Thái Lan đã lai tạo được hai giống lúa thơm thuần nông ngắn ngày. Cũng từ đó, ông có ý tưởng lai tạo giống lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng.
“Tôi và các cộng sự đã thu thập giống bố mẹ từ Thái Lan, Bangladesh, Đài Loan, Nam bộ, Bắc bộ, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)... Lai phức hợp để cho ra dòng ổn định cần phải có thời gian dài hơn lai đơn rất nhiều, thông thường là khoảng 11- 12 vụ. Bên cạnh đó, quy mô khu chọn giống rất rộng”, kỹ sư Cua chia sẻ.
Cũng theo kỹ sư Cua, quá trình nghiên cứu và lai tạo đến năm 2004, mới có tổ hợp lai chọn ra được giống tốt. Năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn, cho đến năm 2014 được ổn định và đưa ra khảo nghiệm.
Trong xu hướng nâng cao chất lượng gạo đặc sản Sóc Trăng để xây dựng thương hiệu, nhóm nghiên cứu đã lập trình những tổ hợp lai gồm có nhiều đời bố mẹ có gen thơm rất tốt, tạo ra những phẩm chất rất đặc biệt, xen lẫn mùi thơm dứa và mùi thơm khóm, nên người tiêu dùng sẽ cảm nhận được hương vị khác của lúa thơm Sóc Trăng.
Khoảng 25 năm qua, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua đã nghiên cứu và lai tạo ra được 25 loại giống lúa thơm và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng thống nhất đặt tên là Giống lúa thơm Sóc Trăng (gọi tắt là ST).
Thành quả ngọt ngào
Kỹ sư Cua cùng các cộng sự tại lễ tri ân nhóm nghiên cứu tạo giống lúa ST do Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, những giống lúa thơm ST được lai tạo cho năng suất cao, có tính chống chịu ngoại cảnh khá tốt so với những giống lúa đang phổ biến. Đặc biệt, thích hợp với vùng đất lúa - tôm (cứng cây, thẳng, kháng bệnh, không đòi phân nhiều, không cần thuốc hóa học nhiều, năng suất cao, giá bán cao, chịu mặn, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu).
“Nếu năng suất lúa thơm của Thái Lan bình quân cả nước đạt 1,7 tấn, năng suất của lúa thơm ST24, ST25 đạt khoảng 6 tấn, tức cao hơn 3 lần. Trong đó, một năm canh tác hai vụ, sản lượng cùng một đơn vị diện tích có thể cao hơn gấp 5, 6 lần của những nước đoạt giải trên thế giới”, kỹ sư Cua đưa ra so sánh.
Anh Lê Thanh Đồng (xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết, dòng lúa thơm ST rất thích hợp với vùng đất lúa - tôm (nước lợ), người dân trồng nhiều nhất là 2 vụ đông xuân và hè thu, cũng có người làm luôn cả vụ ba, cho năng suất cao hơn giống lúa khác.
Với cùng diện tích 1ha, lúa thường cho năng suất khoảng 5 tấn, còn lúa thơm ST cho năng suất từ 6,5- 7,5 tấn, giá thành cũng cao hơn so với lúa khác từ 1.000- 2.000 đồng/kg. Đặc biệt là gạo ST có mùi thơm đặc trưng riêng biệt so với một số loại gạo thơm khác.
Theo ông Huỳnh Tín Nhiệm, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, trong thời gian qua, dòng lúa ST trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên đem lại hiệu quả kinh tế cao, được trồng tập trung nhiều nhất ở hai huyện Mỹ Xuyên và huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (riêng ở huyện Mỹ Xuyên, người dân trồng lúa ST tập trung nhiều ở xã Gia Hòa 2).
Giống ST được người dân áp dụng rộng rãi cách nay khoảng 10 năm, người dân trồng 2 loại, loại bình thường có sử dụng thuốc hóa học và loại đặc biệt chỉ sử dụng phân hữu cơ. Đối với gạo (có sử dụng thuốc hóa học) có giá khoảng 20.000 đồng/kg, còn gạo thơm ST không thuốc hóa học có giá cao hơn khoảng 28.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2019, diện tích sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh này đạt 177.000ha, tăng 1,4 lần so với năm 2015 và tăng 2,7 lần so với năm 2012.
Sản lượng lúa đặc sản ước đạt khoảng trên 1 triệu tấn và tăng trên 20% so với mục tiêu của Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2012-2020. Năm 2010, Sở đã đăng ký nhãn hiệu gạo thơm ST cho 2 nhóm sản phẩm và hiện nay nhãn hiệu gạo thơm đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí sử dụng theo quy định.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 để đưa gạo thơm Sóc Trăng ngày càng vươn xa”, ông Vân cho hay.
Nâng tầm giá trị gạo Việt
Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua với loại gạo ST25 vừa đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019"
Tại lễ khen thưởng và Tri ân nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” vừa được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trân trọng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự và cho rằng, đó là cả quá trình nghiên cứu miệt mài, khảo nghiệm và ứng dụng thực tế của những con người nhiều đam mê và giàu tâm huyết.
“Sắp tới, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục pháp lý để sớm công nhận giống lúa ST25 là giống cấp Quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm soát giống giả, giống kém chất lượng, lúa đội lốt chất lượng cao”, ông Chuyện nhấn mạnh.
“Khi nhận giải thưởng chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, của người tiêu dùng, của người dân Việt Nam, làm cho chúng tôi thấy công sức thời gian dài nghiên cứu của chúng tôi thật không uổng phí chút nào hết. Chúng tôi đã đi đúng hướng trên một chặng đường dài, mới đáp ứng được mong muốn của người dân”, ông Cua xúc động chia sẻ.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, việc xây dựng thương hiệu gạo là vấn đề tầm vóc Quốc gia.
Tuy nhiên, cơ bản xây dựng thương hiệu khởi đầu từ doanh nghiệp, muốn vậy thì doanh nghiệp cần phải liên kết với người nông dân để tổ chức sản xuất, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, có thể hướng dẫn người nông dân sản xuất đúng quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, có nguồn hàng lớn cung cấp cho đối tác nước ngoài.
“Với giống này, nếu doanh nghiệp biết cách làm, có thể xây dựng thương hiệu dần dần, cho đến khi Nhà nước có chính sách rõ ràng” kỹ sư Cua chia sẻ.Nói về thông tin “cháy hàng” gạo thơm ST25 mấy ngày qua trên thị trường trong nước, kỹ sư Cua cho rằng, đó là tình huống “đột biến”, có thể nói là sự đón nhận, là sự ủng hộ đối với loại gạo được thế giới công nhận.
Còn về thị trường tiêu thụ phân phối gạo ST25, kỹ sư Cua cho biết, đây là loại gạo mới được khảo nghiệm xong và đang trong giai đoạn thăm dò thị trường. Gạo này cũng thơm, trắng, đẹp như gạo ST24, nhưng hạt cơm dẻo hơn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh:
Sẽ hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết
Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 vừa diễn ra từ ngày 10-13/11 ở Manila (Philippines), gạo ST25 đã đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới". Cùng với vô số các giải thưởng trong nước, năm 2017, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 9, ST24 đạt top 3 "Gạo ngon nhất thế giới".
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, ngày 27/11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng và kỹ sư Hồ Quang Cua bàn về việc phát triển giống lúa ST. Dự kiến, ngay trong tháng 12, đích thân Bộ trưởng sẽ trao tặng phần thưởng ghi nhận đóng góp của kỹ sư Cua và nhóm nghiên cứu. Cũng tại sự kiện này, Bộ sẽ mời một số doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ từ sản xuất giống, phân bón chuẩn đến đầu ra, hướng tới sản xuất đại trà tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
H.Ngân (Ghi)
Cơ hội để quảng bá hạt gạo Việt Nam
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), việc ST25 đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" là cơ hội để quảng bá ra thế giới hạt gạo Việt Nam. Vấn đề hiện nay là việc tổ chức sản xuất, nhân giống như thế nào để cung cấp cho thị trường với số lượng lớn. Nếu ST25 đủ số lượng lớn, các doanh nghiệp có thể phát triển thương hiệu gạo này để xuất khẩu. "Tôi tin rằng ST25 chắc chắn sẽ cạnh tranh được với các loại gạo thơm trên thế giới như Hommali hay Nàng Then của Campuchia", ông Kiên nhận định.
Hồng Thủy (Ghi)