|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng xe điện thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì những vụ triệu hồi tốn kém, hỏng pin, lỗi phần mềm,...

07:58 | 01/09/2021
Chia sẻ
Các hãng ô tô đang chi hàng tỷ USD để chuyển đổi sang xe điện, nhưng công nghệ mới đi kèm với hóa đơn khủng khi hàng loạt vấn đề phát sinh như cháy xe, thu hồi xe, mất điện đột ngột.

Những vụ thu hồi tốn kém

Đến nay, công nghệ pin và xe điện vẫn còn là thách thức lớn ngay cả đối với Tesla. Song, các hãng sản xuất ô tô vẫn háo hức đón nhận công nghệ mới, đặc biệt là sau khi Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu đưa một nửa doanh số bán xe mới vào năm 2030 là xe điện.

Dù vậy, hầu hết rắc rối đối với xe điện hiện nay vẫn là phần mềm và pin. Bình luận về vấn đề này, ông Doug Betts - chủ tịch cấp cao của hãng cung cấp dữ liệu J. D Power, nói: "Bất cứ khi nào tiến vào một lĩnh vực mới, những ẩn số mà chúng ta chưa biết luôn nhiều hơn so với kiến thức mà ta có sẵn. Có rủi ro và cũng có những điều cần phải học hỏi".

Theo CNBC, các vấn đề kỹ thuật đang gây tổn thất tài chính cho các hãng xe. Năm ngoái, ba hãng xe nổi tiếng gồm General Motors (GM), Huyndai Motor và Ford Motor đã phải thu hồi tổng cộng 132.500 xe điện, tổng thiệt hại ước tính khoảng 2,2 tỷ USD.

Gần đây hơn, GM cho biết hãng vừa chi khoảng 800 triệu USD để thu hồi 69.000 xe điện Chevrolet Bolt EV sau khi nhận được thông tin về nhiều vụ cháy xe do "hai lỗi sản xuất hiếm gặp" trong pin xe. Gần 51.000 xe bị thu hồi là ở Mỹ.

Đâu phải sản xuất xe điện là sướng, mỗi năm các hãng thiệt hại hàng tỷ USD vì thu hồi, hỏng pin, cháy xe - Ảnh 1.

Một chiếc Chevrolet Bolt EV của General Motors bốc cháy trên đường phố Mỹ vào đầu năm nay. (Ảnh: Sở cảnh sát bang Vermont).

CNBC còn liệt kê thêm một số vụ thu hồi hoặc vấn đề với pin hoặc phần mềm xe điện thời gian gần đây. Porche đã thu hồi khá nhiều chiếc Taycan, mẫu xe hơi điện hàng đầu của hãng, do phát hiện sự cố phần mềm khiến xe mất điện hoàn toàn khi đang lại.

Hồi tháng 4, Ford Motor cho biết "một lượng nhỏ" khách hàng mới của mẫu crossover thuần điện Mustang Mach-E báo cáo rằng pin 12 volt trong xe không thể sạc được, khiến xe không hoạt động. Ford thông báo đó là do sự cố phần mềm.

Vào năm ngoái, tại châu Âu, Ford phải thu hồi khoảng 20.500 chiếc Kuga và đình chỉ bán mẫu phương tiện này do lo ngại rằng bộ pin trong xe có khả năng quá nóng và gây cháy xe. Vụ việc khiến gã khổng lồ ngành ô tô thiệt hại 400 triệu USD.

Đầu năm nay, Hyundai Motor thông báo họ sẽ chi 900 triệu USD để thu hồi xe sau vụ cháy 15 chiếc Kona. BMW, Volvo và các hãng xe hơi khác cũng phải thu hồi một số dòng xe điện, bao gồm các mẫu plug-in hybrid do vấn đề với hệ thống pin.

Chủ tịch Doug Betts của J. D. Power tin tưởng rằng các nhà sản xuất xe ô tô về sau sẽ tìm ra hướng xử lý các vấn đề trên khi họ tung ra thị trường nhiều mẫu xe hơn. Theo ông Betts, mọi thứ chỉ là vấn đề thời gian.

Con chim đầu đàn của ngành xe điện - Tesla

Mặc dù Tesla không phải thu hồi xe hàng loạt do trục trặc về pin, công ty của tỷ phú Elon Musk vẫn vướng vào các vụ kiện tụng và điều tra của quan chức liên bang tại Mỹ và Na Uy. Điều này có thể gây rắc rối cho hãng xe điện nước Mỹ.

Tháng 10/2019, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã mở một cuộc điều tra về pin điện áp cao của Tesla. Theo CNBC, cuộc điều tra bắt đầu sau khi Văn phòng Điều tra của NHTSA nhận được đơn tố cáo tập thể từ luật sư Edward Chen (California).

Trong đơn, những người tố cáo cho biết Tesla đã tung ra một hoặc nhiều bản cập nhật phần mềm để kiểm soát và che đậy một lỗi tiềm tàng có thể dẫn đến cháy nổ trong bộ pin xe điện.

Mặc dù gần đây Tesla đã đồng ý trả 1,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện, cuộc điều tra của NHTSA vẫn tiếp tục diễn ra. Sau khi thu xếp xong tranh chấp, CEO Elon Musk khẳng định trên Twitter: "Nếu sai, chúng tôi sẽ thừa nhận. Trong trường hợp này, Tesla đã mắc sai lầm".

Đâu phải sản xuất xe điện là sướng, mỗi năm các hãng thiệt hại hàng tỷ USD vì thu hồi, hỏng pin, cháy xe - Ảnh 2.

Chiếc Tesla Model S bốc cháy khi tài xế vẫn đang cầm lái. (Ảnh: Geragos & Geragos).

Ở một đơn kiện tập thể khác, Tesla còn bị cáo buộc cố tình phóng đại dung lương của pin điện áp cao trong xe điện do hãng sản xuất và dùng thủ thuật để che giấu tình trạng xuống cấp của chúng.

Các khiếu nại về pin ở Mỹ cũng tương tự trường hợp ở Na Uy. Hơn 30 tài xế sử dụng xe của Tesla báo cáo với tòa án rằng một phần năm 2019 đã làm giảm tuổi thọ của pin, giảm phạm vi hoạt động của xe và kéo dài thời gian sạc pin, theo tờ Nettavisen của Na Uy.

Tòa sơ thẩm đã đứng về phía các chủ xe và cho biết Tesla có thể phải bồi thường cho tất cả khách hàng bị ảnh hưởng bởi phần mềm điều chỉnh pin lên tới 16.000 USD/người. Tức là, tổng số tiền bồi thường có thể lên tới 163 triệu USD.

Cháy xe

Nhìn chung, cháy xe là vấn đề khá phổ biến. Theo Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy Quốc gia Mỹ, chỉ riêng trong năm 2018, nước Mỹ báo cáo 212.500 vụ cháy xe khiến 560 dân thường thiệt mạng, 1.500 người bị thương và thiệt hại tài sản trực tiếp khoảng 1,9 tỷ USD.

Hầu hết các vụ cháy xe không liên quan đến xe điện, vì hàng năm xe điện chỉ chiếm khoảng 2 - 3% doanh số bán xe mới ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe ô tô và nhà cung ứng pin sẽ phải cực kỳ cẩn trọng trong quá trình lắp ráp xe và linh kiện trên xe.

Theo cảnh báo của nhà phân tích Sam Abuelsamid từ hãng tư vấn Guidehouse Insights, chỉ một tia lửa "đi lạc" trong quá trình hàn cũng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng trong pin xe điện.

Khả Nhân