|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng Việt không được ghi xuất xứ 'Made in Việt Nam', doanh nghiệp lúng túng ghi thế nào là đúng?

18:02 | 28/09/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp có thể chọn ghi hoặc không ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn, nếu chọn ghi thì bắt buộc phải theo những qui định trong Thông tư mới. Tuy nhiên, với Thông tư mới, nhiều doanh nghiệp không biết ghi thế nào cho đúng với từng trường hợp của mình.

Ngày 27/9, tại TP HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư qui định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Trao đổi với người viết, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay chưa có qui tắc nào xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Việc thiếu vắng các qui định như vậy nó gây nên một số các bất cập. Thứ nhất là gây mất lòng tin với người tiêu dùng, khi họ không biết rằng sản phẩm mình đang dùng có phải của Việt Nam hay không. Thứ hai nó ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp nói chung nếu không có một chuẩn xác định. Thứ ba là tạo ra cuộc cạnh tranh bất bình đẳng khi hàng hóa nước ngoài đưa vào Việt Nam, chế biến sơ xài cũng dán nhãn xuất xứ Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

2300b6ba6210854edc01

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: Như Huỳnh

Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.

"Thay vì sử dụng cụm từ 'Made in Vietnam', các doanh nghiệp phải sử dụng một trong các thuật ngữ như sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam, hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam...", ông Hải cho hay.

Tại buổi ghi nhận ý kiến ngày 25/9 tại Hà Nội, ông Hải cho biết thêm phần nhiều các ý kiến phản ánh của hiệp hội, doanh nghiệp tập trung một số nội dung như phương thức xác định xuất xứ thế nào là xuất xứ thuần túy và xuất xứ không thuần túy. 

Bên cạnh đó, vấn đề tỉ lệ giá trị gia tăng của Việt Nam cũng được nhiều doanh nghiệp góp ý.

"Có những ý kiến muốn nâng tỉ lệ lên hơn 3%, nhưng cũng có ý kiến muốn hạ xuống. Bộ Công thương sẽ cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, tuy nhiên yếu tố quan trọng là sự phù hợp với những cam kết giữa các nước trên thế giới", ông Hải cho hay.

Hàng hóa không đủ chuẩn xuất xứ Việt Nam thì nhãn dán ghi gì?

Thực tế doanh nghiệp cho rằng có rất nhiều vấn đề vẫn khá mơ hồ đối với qui định của Thông tư. 

Chia sẻ với người viết bên lề hội thảo, bà Lê Thị Trâm Anh, đại diện Công ty CP China Steel and Nippon Steel Việt Nam băn khoăn: 

"Đây là thông tư qui định hàng hóa sản xuất made in Việt Nam nhưng nếu hàng hóa của chúng tôi không đủ tiêu chuẩn của made in Việt Nam thì trên nhãn sẽ thể hiện thế nào khi một phần nhập khẩu từ Nhật, một phần nhập khẩu từ Đài Loan... "

6972c235179ff0c1a98e

Toàn cảnh Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư qui định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn với một doanh nghiệp chuyên về công nghệ của Bình Dương chia sẻ: "Hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra được phép dán nhãn sản xuất tại Việt Nam hay hàng Việt Nam? Bởi dự thảo Thông tư đang cho phép doanh nghiệp tự xác nhận. 

Trong trường hợp doanh nghiệp không tự tin, doanh nghiệp muốn có một đầu mối xác định xem hàng hóa của mình có được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam hay hàng Việt Nam hay không".

Một ý kiến khác, ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP HCM (VCCI HCM) cho rằng: 

"Với trường hợp, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại Việt Nam đưa ra thiết kế ở Việt Nam rồi đặt hàng nước ngoài và nhập về Việt Nam lắp ráp các công đoạn, nếu căn cứ theo dự thảo thông tư này nó không đủ điều kiện ghi xuất xứ ở Việt Nam thì chúng ta ghi cái gì trên đó". 

Tán thành với quan điểm của đại diện VCCI HCM, đại diện Intel Khu vực châu Á khẳng định: "Chưa bao giờ Chính phủ các nước quan tâm đến xuất xứ như bây giờ. 

Hiện nay chúng tôi đang phải giải quyết khá nhiều câu hỏi về xuất xứ trong quá trình thông quan đi các nước. Sự ra đời của Thông tư này là cần thiết. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, hàng hóa của Intel lại không thuộc phạm vi điều chỉnh".

91fbfaba370ed050891f (1)

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Ý kiến về Thông tư, đại diện Intel khu vực châu Á đặt câu hỏi: "Hàng hóa của Intel khi xuất khẩu sang nước ngoài có các nhà phân phối Việt Nam nhập khẩu về tiêu thụ tại Việt Nam thì có chịu sự ảnh hưởng, điều chỉnh của thông tư không? 

Và với Thông tư này có áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu muốn chứng nhận xuất xứ nhưng không vì mục đích ưu đãi thuế hay không?"

Bởi theo vị đại diện này, hàng hóa công nghệ cao khi ra thị trường các nước hầu như đều đang có thuế nhập khẩu 0% nên rất ít khách hàng quay lại yêu cầu chứng nhận xuất xứ. 

Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có một số doanh nghiệp nhờ Chính phủ Việt Nam xác nhận xuất xứ nhưng doanh nghiệp không biết căn cứ nào, Thông tư nào để tạo cơ sở chứng nhận xuất xứ mà không vì mục đích ưu đãi thuế.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng khá lo lắng khi cho biết: "Intel ở Việt Nam đầu tư mặt sản xuất, công nghệ và con người rất lớn, kể cả công đoạn cuối cùng cũng ở Việt Nam. 

Khi nhìn vào các tiêu chí được cho là đơn giản của Thông tư này nhưng thực tế sự đầu tư, sản xuất của chúng tôi không hề đơn giản thì vẫn không thể đáp ứng đủ tiêu chí của Thông tư này như tiêu chí 30% nội địa hay tiêu chuẩn chuyển đổi mã hàng hóa HS".

Doanh nghiệp có thể lựa chọn ghi hoặc không ghi xuất xứ hàng hóa

Trả lời vấn đề doanh nghiệp đặt ra, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích: "Thông tư này cho phép doanh nghiệp thể hiện hoặc không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa. 

Doanh nghiệp không đủ tự tin dán nhãn, đương nhiên sẽ không muốn dán nhãn hàng hóa Việt Nam. Nếu Thông tư qui định bắt buộc thì có thể doanh nghiệp sẽ ghi mà không đảm bảo hàng hóa có phải sản xuất tại Việt Nam không". 

Do đó, trong trường hợp, doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí của Thông tư hoặc không dán nhãn sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể có cách thể hiện nào đó để thể hiện đây là sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất hoặc sản phẩm nhập khẩu.

"Đây là lựa chọn của doanh nghiệp nhưng nếu đã dán nhãn hàng hóa Việt Nam thì bắt buộc phải theo những qui định trong Thông tư mới này", ông Hải nhấn mạnh.

c360a56670cc9792cedd

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: Như Huỳnh.

Trước băn khoăn cụ thể của doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu có nhãn mác ghi xuất xứ không phải của Việt Nam.

"Đây là Thông tư hướng dẫn về cách xác định, ghi nhãn sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hay sản phẩm của Việt Nam được lưu thông, tiếp thị trên thị trường Việt Nam.

Tôi xin khẳng định và phân biệt rõ ràng, chúng ta không nói hàng hóa xuất khẩu để có giấy chứng nhận xuất xứ C/O, vấn đề chúng ta đang giải quyết trong nước ở đây là hướng đến Nghị định 43 là ghi nhãn hàng hóa", bà Hiền nói.

Minh chứng rõ hơn, đại diện Bộ Công thương cho biết: "Ví dụ với chai rượu của Pháp có nhà máy tại Việt Nam thì mặc dù chai rượu vẫn phải xin giấy chứng xuất xứ nhưng trên chai rượu vẫn ghi sản phẩm của Pháp. 

Bởi vì chai rượu xuất khẩu sang thị trường đối tác và theo qui định của thị trường đối tác thì việc ghi nhãn phải theo thị trường sản phẩm đến".

Trong trường hợp hàng xuất khẩu đi nước khác thì qui định ghi nhãn được áp dụng là qui định của nước nhập khẩu hoặc theo thống nhất giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu trong hợp động, bà Trịnh Thị Thu Hiền khẳng định.

Mặc dù được giải thích nhiều trường hợp cụ thể, tuy nhiên theo nhiều đại biểu và doanh nghiệp, qui định xuất xứ hàng hóa cần phải chặt chẽ hơn để nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa sản xuất trong nước. 

Tiêu chí này cũng nên qui định cụ thể cho từng ngành hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là ngành nông nghiệp và công nghệ cao.

Theo đó, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Bộ Công thương không muốn chỉ vì một doanh nghiệp làm sai mà ban hành qui định để triệu doanh nghiệp khác ảnh hưởng.

Để xây dựng thông tư này Bộ đã mất một năm tham khảo ý kiến của các đơn vị liên quan. Do đó, cới những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ ghi nhận và sớm hoàn thiện Thông tư phù hợp với thực tế".

Như Huỳnh