Hàn Quốc: Xuất khẩu sang các đối tác FTA tăng hơn gấp đôi trong 15 năm
Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) ngày 10/6 cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang các đối tác có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nước này đã tăng hơn gấp hai lần trong 15 năm qua, nhưng Hàn Quốc cần đạt được nhiều FTA hơn nữa để giảm sự phụ thuộc nặng nề vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu của KIEP, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang 52 quốc gia đã ký kết FTA với nước này (tính đến năm 2018) đã đạt 438,6 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn nhiều so với mức 170 tỷ USD năm 2004. Trong giai đoạn này, nhập khẩu từ các nước trên cũng tăng từ 121,7 tỷ USD lên 334,6 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FDI) của những nước này vào nền kinh tế lớn thứ tư châu Á cũng tăng từ 61,9 tỷ USD năm 2005 lên 211,9 tỷ USD năm 2017.
Với nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại, Hàn Quốc đã thực thi 16 FTA với 57 đối tác thương mại tính đến năm 2019. Tuy nhiên, KIEP cho rằng dù Hàn Quốc đã nỗ lực xây dựng mạng lưới FTA với các đối tác thương mại lớn, trong dài hạn nước này cũng cần chú ý đến các quốc gia đang phát triển.
Theo báo cáo của KIEP, "trước những bất ổn từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với những hạn chế xuất khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc cần giảm sự phụ thuộc vào các nước lớn và tìm kiếm FTA với các đối tác mới. Năm 2019, Trung Quốc và Mỹ chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á hiện đang thúc đẩy nhiều FTA hơn cũng là để vực dậy hoạt động xuất khẩu đang sa sút do tác động của đại dịch COVID-19. Xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Năm với mức giảm 23,7% do tác động của dịch bệnh.
Seoul đang đặt mục tiêu hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay. Thỏa thuận này sẽ tạo ra một khối kinh tế lớn chiếm đến 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Năm ngoái, Hàn Quốc và Campuchia đã nhất trí tiến hành một cuộc nghiên cứu chung về tính khả thi của FTA giữa hai nước trong nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế sâu sắc hơn và mở rộng hoạt động trao đổi song phương.