|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc (KOR-US)

07:00 | 31/03/2020
Chia sẻ
Sau những nỗ lực điều chỉnh lại thỏa thuận theo hướng có lợi hơn cho Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đương nhiệm của Hàn Quốc Moon Jae-in đã cùng kí Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc có sửa đổi vào ngày 24/9/2018.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc - Ảnh 1.

(Nguồn: (Ảnh: AFP)

Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc (

Năm 2012, Mỹ và Hàn Quốc đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc (KOR-US). Các vòng đàm phán được khởi động trước đó và thỏa thuận được kí kết vào năm 2007 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush. 

Người ta ít chú ý đến hiệp định này cho đến năm 2010 khi cựu Tổng thống Barack Obama quyết định khởi động lại tiến trình thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc, vì lí do chính trị hơn là kinh tế.

Năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc ở mức 27,6 tỉ USD, tăng hơn 10 tỉ USD so với năm 2012. Theo Tổng thống Donald Trump, đây là bằng chứng cho thấy FTA Mỹ - Hàn Quốc là hiệp định không công bằng với Mỹ, vì vậy ông yêu cầu đàm phán lại một lần nữa.

Sau những nỗ lực điều chỉnh lại thỏa thuận theo hướng có lợi hơn cho Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đương nhiệm của Hàn Quốc Moon Jae-in đã cùng kí Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc có sửa đổi vào ngày 24/9/2018. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Nội dung sửa đổi Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc

1. Thuế xe tải

Hàn Quốc chấp nhận mở rộng giai đoạn duy trì mức thuế 25% đối với xe tải cho đến năm 2041 của Mỹ (nghĩa là kéo dài thêm 20 năm, theo FTA cũ cam kết mức thuế về 0% vào năm 2021).

2. Tăng lượng xuất khẩu ô tô của Mỹ

Xuất khẩu ô tô của Mỹ sang Hàn Quốc sẽ được cải thiện qua các bước sau:

- Tăng Lượng xuất khẩu của Mỹ: Hàn Quốc chấp thuận tăng gấp đôi lượng xuất khẩu ô tô của Mỹ lên 50 nghìn xe/nhà sản xuất/mỗi năm, theo các tiêu chuẩn an toàn của Mỹ (thay vì các tiêu chuẩn của Hàn Quốc) và vào thị trường Hàn Quốc mà không cần sửa đổi thêm.

- Hài hòa các yêu cầu kiểm định: xe xuất khẩu chạy bằng xăng của Mỹ sẽ được chấp nhận phù hợp với tiêu chuẩn khí thải của Hàn Quốc, bằng cách sử dụng những kiểm tra tương tự mà họ thực hiện để chứng minh sự tuân thủ các qui định của Mỹ mà không cần các kiểm định bổ sung hoặc kiểm định lại cho thị trường Hàn Quốc.

- Công nhận các tiêu chuẩn của Mỹ đối với phụ tùng ôtô: Hàn Quốc sẽ công nhận các tiêu chuẩn của Mỹ đối với phụ tùng ôtô cần thiết để dùng cho xe Mỹ và giảm gánh nặng dán nhãn cho các bộ phận.

3. Các cam kết về nông nghiệp vẫn được giữ nguyên

Hiệp định Thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc đã có lợi cho ngành nông nghiệp của Mỹ. Theo Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ (USMEF), xuất khẩu thịt đỏ sang Hàn Quốc đứng đầu đạt 1,7 tỉ USD, gần gấp đôi so với năm 2012. Mỹ là nhà cung cấp thịt bò lớn nhất cho Hàn Quốc và nhà cung cấp thịt lợn lớn thứ hai của nước này.

Miễn trừ đánh thuế vào hàng nhập khẩu thép và hạn chế khối lượng thép nhập khẩu vào Mỹ: Không đánh thuế 25% đối với các sản phẩm thép của Hàn Quốc, nhưng xuất khẩu thép của Hàn Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu một hạn ngạch cụ thể tương đương với 70% khối lượng nhập khẩu trung bình hàng năm của các sản phẩm đó trong giai đoạn 2015 - 2017. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể lượng thép nhập khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ.

Lối thoát cho nông nghiệp

Có lẽ ngành nông nghiệp Mỹ là người hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới.

Bloomberg nhận định việc kí kết hiệp định này là tin mừng cho các nông dân Mỹ, những người đang lo ngại việc đóng cửa các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ làm trầm trọng thêm tác động của sự rớt giá do nguồn cung tăng mạnh ở các sản phẩm như ngô, đậu nành, thịt bò, thịt heo và thịt gà

Việc kí kết Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc đang làm dấy lên niềm hi vọng rằng các thị trường xuất khẩu cho nông sản Mỹ sẽ chẳng những không bị đóng lại mà còn có triển vọng mở rộng hơn nữa. Có thể nói đây chính là lối thoát cho nông nghiệp Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang hiện nay.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của nông nghiệp Mỹ. Hiệp định Thương mại sẽ giúp đưa Hàn Quốc thành nhà nhập khẩu thịt bò Mỹ lớn thứ hai thế giới, sau Nhật Bản. Xuất khẩu thịt heo của Mỹ dự báo cũng sẽ tăng nhanh.

Phùng Nguyệt

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.