|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Habeco bất ngờ miễn nhiệm người của Carlsberg

13:58 | 16/12/2019
Chia sẻ
Thông báo vừa được Habeco gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM cho biết, HĐQT công ty đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm đại diện của Carlsberg.

Theo đó, ngày 3/1/2010 tới đây, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) sẽ chốt chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc bầu và miễn nhiệm nhân sự cấp cao theo đề nghị của HĐQT công ty.

Đáng chú ý, HĐQT Habeco đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Stefano Clini, người đại diện của Carlsberg Breweries được bầu vào HĐQT của Habeco vào cuối năm 2017.

Thay thế ông Stefano Clini là Bùi Hữu Quang, người đang giữ chức danh thành viên Ban kiểm soát (TV BKS) của Habeco. Theo đó, HĐQT Habeco quyết định miễn nhiệm chức danh TV BKS của ông Quang để ông này nhận vị trí mới trong HĐQT. 

Bên cạnh đó, HĐQT Habeco cũng giới thiệu và đề cử bà Quản Lê Hà, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vào chức danh thành viên HĐQT độc lập của công ty.

Dự kiến, HĐQT mới của Habeco sẽ sạch bóng người nước ngoài. HĐQT mới sẽ có 6 thành viên bao gồm Chủ tịch Đỗ Xuân Hạ, các thành viên còn lại bao gồm ông Ngô Quế Lâm, ông Vũ Xuân Dũng, ông Trần Thuận An, ông Bùi Hữu Quang và bà Quản Lê Hà. 

Trong đó, ông Vũ Xuân Dũng và ông Trần Thuận An được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kì 2019 - 2024 hồi đầu tháng 9 năm nay. Hai thành viên HĐQT mới đều là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Habeco và đã có thời gian làm việc tại công ty.

Carlsberg là đối tác chiến lược đang nắm giữ hơn 17% cổ phần Habeco từng nhiều lần mong muốn gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp bia này khi Nhà nước thoái vốn khỏi Habeco nhưng quá trình thoái vốn đã kéo dài 3 năm nay.

Chủ tịch HĐQT Habeco Trần Đình Thanh trong năm nay cho biết Habeco có hợp tác chiến lược với Carlsberg, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Habeco tích cực làm việc với đối tác, doanh nghiệp vẫn đặt trọng tâm triển khai đúng tiến độ thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo Bộ Công Thương, Chính phủ.

Năm 2018, hai bên đã có 13 cuộc làm việc, gặp gỡ để tìm tiếng nói chung. Dù vậy, theo ông Thanh, do quá trình thoái vốn đảm bảo 3 tiêu chí công khai, minh bạch và tối đa hóa lợi nhuận của nhà nước nên cần thời gian và rất gay go chứ không đơn giản. Đàm phán đã có kết quả và Habeco đã trình Bộ Công Thương xin ý kiến.

Theo điều khoản đối tác chiến lược, Carlsberg có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu của Habeco trong trường hợp Bộ Công Thương thoái vốn. Không ít lần, cổ đông ngoại này ngỏ ý việc muốn mua lại toàn bộ 81,79% cổ phần mà Bộ Công Thương đang nắm giữ tại Habeco. 

Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở mức giá mua lại chưa thể thống nhất. Năm 2016, phía Carlsberg cho rằng mức giá cổ phiếu BHN trên thị trường là bất hợp lí và cho rằng giá cổ phiếu Habeco chỉ ở mức 48.000 đồng/cp là hợp lý. Trong khi đó, giá cổ phiếu BHN trên thị trường có thời điểm lên trên 150000 đồng/cp trước khi giảm về vùng 80.000 đồng/cp hiện nay.

bhn

Trong khi Sabeco liên tục tăng trưởng, doanh thu BHN suy giảm từ 2016 đến nay (Nguồn: DVSC)

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận 6.670 tỉ đồng doanh thu thuần và LNST cổ đông công ty mẹ là 484 tỉ đồng, lần lượt giảm 2% và 5% so với 9 tháng đầu 2018. Dù vậy, Habeco ghi nhận dòng tiền dương hơn 756 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước âm 21 tỉ đồng.

Tính đến 30/9/2019, tiền và tiền gửi của Habeco xấp xỉ 4.027 tỉ đồng, tăng 6,6% (tương ứng 250 tỉ đồng) so với đầu năm. Ngược lại, hàng tồn kho ghi nhận 635 tỉ đồng vào cuối tháng 9, giảm hơn 21% so với đầu năm.

Habeco có vốn chủ sở hữu 5.143 tỉ đồng tính đến cuối quí III, chiếm hơn 57% tổng nguồn vốn. Tổng nợ vay tài chính của Công ty đã giảm 26% so với đầu năm, xuống còn 443.5 tỉ đồng vào cuối kì.

Hoàng Trung