|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab thôn tính dịch vụ gọi xe ba bánh tại Indonesia

08:00 | 14/08/2019
Chia sẻ
Mới đây, Grab phát triển dịch vụ đặt xe ba bánh có tên “bajbaj” tại Indonesia.
avatar_1565742735930

Khách hàng và tài xế xe "bajbaj"

Grab - nền tảng công nghệ gọi xe, giao nhận qua ứng dụng điện thoại không chỉ dừng lại ở phát triển dịch vụ đặt xe máy, ô tô mà còn khai thác triệt để tất cả những phương tiện khác lưu thông trên đường, mới đây nhất chính là xe ba bánh có tên “bajbaj” tại Indonesia.

Công nghệ hóa xe ba bánh “bajbaj”

Xe “bajbaj” được biết đến như xe ba bánh tự động, mang tính biểu tượng tại Jakarta, được đặt tên theo nhà sản xuất loại xe này đầu tiên ở Ấn Độ. Phương tiện này khá hút khách vì có giá rẻ hơn taxi thông thường mà lại có mái che tránh nắng mưa và chỗ để hành lý.

Tuy nhiên, hành khách luôn phải vận dụng hết kỹ năng để trả giá với tài xế. Nếu không, họ sẽ phải chịu cái giá “cắt cổ”. Đó chính là một trong những lý do khiến loại xe này mất khách.

Chưa kể, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay với sự phát triển nở rộ của những ứng dụng đặt xe, khách hàng chuyển sang ưa chuộng hình thức này hơn vì dễ tiếp cận và cấu trúc giá cố định. Do đó, nếu không thay đổi, phương thức “bajbaj” sớm hay muộn cũng có thể bị loại khỏi cuộc chơi.

Nắm bắt được điểm yếu này, tháng 5/2019 vừa qua, Grab tại Indonesia đã hợp tác với Cơ quan giao thông Jakarta ra mắt dịch vụ GrabBajay. Đây được đánh giá là động thái bất ngờ đối với những người trước đây cho rằng loại xe này không có chỗ trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Thực chất, nghi ngờ của họ không phải không có căn cứ bởi nhiều năm trở lại đây, không ít công ty khởi nghiệp muốn công nghệ hóa loại xe này tại Thủ đô Indonesia như ứng dụng BajbajApp nhưng không thành công.

Tuy nhiên, những mối lo ngại đó không cản bước Grab. Ông Tri Sukma Anreianno, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Grab tại Indonesia cho biết: “Bajbaj có mặt ở khắp nơi tại Indonesia nhưng không thể khai thác được khách hàng vì chưa ứng dụng công nghệ. Chúng tôi muốn sử dụng năng lực của mình để nâng cao khả năng hoạt động của họ”.

Grab Indonesia ước tính, hiện có khoảng 11.000 xe “bajbaj” đang lưu thông tại Jakarta, giảm nhẹ so với con số chính thức là 14.000 chiếc vào năm 2015. Tuy nhiên, chỉ 25% trong số họ đang hoạt động tích cực.

Ngoài ra, theo ông Anreianno, việc đưa thêm “bajbaj” vào Grab sẽ giúp phương tiện này trở nên an toàn hơn khi những phương tiện muốn tham gia ứng dụng phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn bao gồm phải đăng ký với các nhà khai thác chính thức, phải vượt qua thử thách chạy trên đường phố và tài xế phải dưới 55 tuổi.

Sau khi hoàn tất quá trình lựa chọn, GrabBajay ra mắt với 60 phương tiện đến từ 3 công ty quản lý xe “bajbaj” hàng đầu của Jakarta.

Người đứng đầu Cơ quan giao thông đại chúng thuộc Sở Giao thông Jakarta cho biết, mối quan hệ hợp tác với Grab Indonesia giúp người dân có thể đi xe “bajbaj” với giá cả phải chăng thông qua chương trình giá cả cố định.

Với những ứng dụng như vậy, tương lai sẽ không còn cảnh hành khách và tài xế trả giá, kỳ kèo trước mỗi chuyến đi. GrabBajay cố định giá ở mức 3.000 rupiah/km (khoảng 5.000 đồng) - mức giá được nhận định là thỏa đáng với cả người đi và người điều khiển phương tiện.

Ông Ridho Noviyanto, một tài xế xe ba bánh cho biết: “Mức giá này thực sự cạnh tranh. GrabBajay cho phép chúng tôi bỏ qua quá trình mặc cả mệt mỏi và quan trọng nhất nó giúp các tài xế kiếm thêm khách”, ông chia sẻ.

Tương lai của GrabBajay

da-n-xe-ba-ba8nh-bajbaj-cu-a-grab-1565679508-width1000height553

Ước tính có khoảng 11.000 xe "bajbaj" tại Jakarta trong thời điểm hiện nay

Theo nghiên cứu chung do Google và Công ty Temasek của Singapore thực hiện, ước tính giá trị thương mại hóa của ngành gọi xe (bao gồm giao thực phẩm trực tuyến) tại Đông Nam Á trong năm ngoái là 7,7 tỉ USD trong đó Indonesia chiếm gần một nửa.

Từ 3,7 tỉ USD năm ngoái, giá trị của dịch vụ gọi xe tại Indonesia có tiềm năng đạt tới 14 tỉ USD trong năm 2025, báo cáo cho biết.

Đối với Grab Indonesia, họ có kế hoạch mở rộng số lượng xe “bajbaj” qua việc tiếp cận thêm nhiều công ty vận hành nữa. Bên cạnh Jakarta, họ cũng địa phương hoá các dịch vụ gọi xe tương tự như “bajbaj” chẳng hạn như dịch vụ GrabBentor tại Gorontalo, Sulawesi và GrabBetor tại Medan, Bắc Sumatra.

Đối thủ của Grab là Gojek chưa cho biết phản ứng trước động thái của Grab, chưa rõ hãng này có kế hoạch lấn sân vào thị trường “bajbaj” tại Thủ đô Indonesia hay không.

Nhìn chung, với sự ra mắt của GrabBajay, hầu hết tài xế xe ba bánh này đều tin rằng, các dịch vụ gọi xe sẽ mang đến làn gió mới cho dịch vụ của họ chứ không phải gây thêm khó khăn, cạnh tranh cho họ.

Trang Trần