Grab ráo riết tìm kiếm lợi nhuận khi nhà đầu tư mất dần kiên nhẫn
Mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á thăng hoa trong đại dịch và Grab là một trong những cái tên thành công nhất ở mảng này, theo Nikkei. Dù vậy, khi đại dịch lùi dần về quá khứ và thói quen ra ngoài ăn uống bắt đầu trở lại, các công ty giao đồ ăn đứng trước áp lực điều chỉnh mô hình kinh doanh để đối diện với các thách thức mới.
Theo một phân tích của Momentum Works, 6 thị trường giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á có tổng giá trị hàng hoá giao dịch lên tới 15,5 tỷ USD trong năm 2021. Grab nắm giữ 49% thị phần. Theo sau đó là Foodpanda (22% thị phần) và Gojek (14% thị phần). Grab đứng đầu ở tất cả các thị trường, ngoại trừ Malaysia, nơi Foodpanda có 49% thị phần còn Grab có 48% thị phần.
Địa phương hoá dịch vụ cung cấp tới mỗi quốc gia là chía khoá cho sự thành công. Grab từng phát triển chủ yếu thông qua kinh doanh gọi xe. Dù vậy, công ty này đã mở rộng được thị phần thông qua chiến lược địa phương hoá cao, liên tục tung ra các phiên bản ứng dụng với ngôn ngữ, giao diện và chức năng thanh toán được “may đo” cho từng thị trường.
Năm 2018, Grab mua lại mảng kinh doanh và vận hành của Uber tại Đông Nam Á. Thông qua thương vụ này, Grab cũng thâu tóm mạng lưới của UberEats trong khu vực cũng như các kinh nghiệm của Uber ở mảng giao đồ ăn. Những “tài sản” này là nền móng để Grab triển khai dịch vụ giao đồ ăn của mình.
Mặc dù đến từ Châu Âu, Foodpanda là công ty tiên phong ở mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á khi bắt đầu triển khai dịch vụ từ năm 2012. Hồi tháng 3 năm ngoái, công ty mẹ của Foodpanda là Delivery Hero đã hoàn thành mua lại Woowa Brothers (công ty vận hành ứng dụng giao đồ ăn Baemin). Baemin hiện tại cũng đang có hoạt động tại Việt Nam.
Dù vậy, ở Indonesia, nơi xe ôm là phương tiện phổ biến, Gojek đã vượt mặt và khiến Foodpanda phải đóng cửa vào năm 2016. Foodpanda cũng rời Việt Nam vào năm 2015.
Thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á đang trên đà mở rộng lên quy mô 49,7 tỷ USD vào năm 2030, theo Frost & Sullivan, tương đương mức tăng 3,3 lần quy mô của năm 2021.
Mảng giao đồ ăn vẫn đang thu hút thêm những “tay chơi” mới. Năm ngoái, Sea mở rộng vào thị trường Indonesia với ShopeeFood, sau khi triển khai dịch vụ tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Dù vậy, nhu cầu giao đồ ăn do các lệnh giãn cách xã hội đã bắt đầu mờ dần. Grab báo cáo tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của mảng giao đồ ăn đạt 2,47 tỷ USD cho mảng giao đồ trong quý II/2022, thấp hơn so với mức dự đoán là 2,55 tỷ USD. GMV năm của Grab được dự phóng sẽ tăng trưởng từ 21% đến 25%, giảm xuống từ mức dự đoán trước đó là 30% và 35%.
“Chúng tôi dự đoán nhu cầu mua đồ ăn sẽ giảm nhẹ”, một lãnh đạo Grab chia sẻ.
Các công ty giao đồ ăn đang chạy đua mở rộng mạng lưới logistics và tương tác khách hàng để thu hút thêm người dùng. Hồi tháng 1, Grab hoàn thành mua lại chuỗi siêu thị cao cấp Malaysia Jaya Grocer. Tháng trước, công ty này cũng hợp tác với Coca-Cola để có thể tiếp cận với số lượng sản phẩm đa dạng hơn và hệ thống cửa hàng đối tác.
Grab cũng đang lên kế hoạch sẽ triển khai gói cước đăng ký dịch vụ cố định theo tháng. Chương trình này sẽ nhắm đến nhóm người dùng sử dụng ứng dụng này thường xuyên. Trong khi đó, đối thủ gần nhất của Grab là Foodpanda định vị hình ảnh như một dịch vụ B2B cho các nhà hàng. Foodpanda đang cân nhắc phát triển phần mềm cho các nhà hàng và nhà cung cấp thực phẩm để hỗ trợ các công tác như xử lý đơn hàng.
“Vẫn còn nhiều việc phải làm ở mảng thực phẩm”, Jakob Angele, CEO Foodpanda, chia sẻ với Nikkei.
GoTo đang tập trung nguồn lực tại qua nhà Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Vào tháng 7/2022, Gojek bán mảng vận hành tại Thái Lan cho Capital A, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ AirAsia.
Tháng trước, để tận dụng sức mạnh liên kết tập đoàn, GoTo đưa tính năng giao đồ ăn của Gojek lên sàn TMĐT Tokopedia.
Cạnh tranh gay gắt khiến việc cắt giảm chi phí vận hành trở thành một thách thức cấp thiết với các công ty giao đồ ăn. Grab từng có thị phần nhờ các chiến dịch chiết khấu và khuyến mãi lớn.
Lần này, Grab đang “đẩy mạnh con đường hướng đến lợi nhuận”, Anthony Tan, CEO Grab, chia sẻ.
Grab đã đóng các trung tâm xử lý hàng hoá tại 3 quốc gia với mục tiêu đưa mảng giao hàng về trạng thái hoà vốn trên nguyên tắc EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) vào quý II/2023.
Việc ráo riết tìm kiếm lợi nhuận của Grab được thực hiện trong bối cảnh các nhà đầu tư đã mất dần sự kiên nhẫn. Trong nửa đầu năm, Grab lỗ ròng 1 tỷ USD. Mặc dù con số này thấp hơn mức 1,4 tỷ USD của một năm trước đó, giá cổ phiếu của Grab đã giảm 3/4 so với mức giá chào sàn Nasdaq (Mỹ) vào tháng 12 năm ngoái.
Foodpanda rời Nhật Bản vào tháng 1 năm nay, chỉ hơn 1 năm sau khi thâm nhập thị trường này. Công ty này đã quyết định dồn nguồn lực vào các thị trường lõi ở Đông Nam Á. Hồi tháng 4, Delivery Hero công bố kế hoạch đạt chỉ số EBITDA sau điều chỉnh dương ở cấp độ tập đoàn vào năm 2023.