Grab bắt tay với Singtel chính thức ra mắt ngân hàng số ở Singapore
Một trong những startup công nghệ nổi bật nhất của Đông Nam Á và công ty viễn thông lớn nhất khu vực mới đây đã chính thức ra mắt liên doanh ngân hàng số ở Singapore, theo Nikkei.
Cụ thể, Grab và Singtel đã chính thức ra mắt ngân hàng số có tên GXS gần một năm rưỡi sau khi là một hai đơn vị nhận được giấy phép hoạt động ngân hàng số đầy đủ tại trung tâm tài chính Châu Á Singapore. Sea là đơn vị còn lại cũng nhận được giấy phép tương tự tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa chính thức công bố kế hoạch của mình đối với “sân chơi” này.
GXS, ngân hàng do Grab nắm giữ 60% cổ phần và Singtel nắm giữ 40% cổ phần còn lại, sẽ hướng tới đối tượng người dùng đại trà bằng cách cho phép khách hàng “kiếm được tiền lãi hàng ngày” qua ứng dụng di động sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/9 tới. Các ngân hàng truyền thống thường thực hiện trả lãi hàng tháng cho khách hàng, Nikkei cho hay.
“Laĩ suất của chúng tôi rất cạnh tranh”, Charles Wong, CEO GXS, nói với truyền thông tại sự kiện ra mắt ngân hàng. “Thế nhưng tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng tôi khi tiếp cận khách hàng là họ gặp nhiều vấn đề hơn chỉ là lãi suất”.
Một trong những vấn đề bao gồm việc các ngân hàng truyền thống sẽ thu phí nếu người dùng không duy trì số dư tối thiểu. Vì GXS nhắm đến đối tượng những người lao động gig ví dụ như các đối tác tài xế của chính Grab cũng như đối tượng người dùng mới bắt đầu đi làm, GSX không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản.
Trong đợt triển khai dịch vụ đầu tiên, khách hàng có thể giữ tối đa 5.000 SGD trên tài khoản tiền gửi với lãi suất hàng ngày 0,08% mỗi năm.
Khách hàng cũng có thể tiết kiệm trong ứng dụng SGX cho một mục tiêu nào đó, ví dụ như chuyến đi chơi sắp tới. Các khoản tiết kiệm này sẽ có lãi suất mỗi ngày 1,58%/năm, mức lãi suất mà ông Wong nhấn mạnh là có thể so sánh với tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng truyền thống.
Ông Wong tiết lộ tổng cộng Grab và Singtel đang có 3 triệu khách hàng tại Singapore. Đây là cơ sở để ngân hàng số mới có thể phát triển hoạt động kinh doanh của mình. GSX đang lên kế hoạch tích hợp một số tính năng ví dụ như thanh toán vào ứng dụng Grab. GSX sẽ hoạt động mà không có bất kỳ chi nhánh truyền thống nào.
Grab đang theo đuổi chiến lược biến ứng dụng của mình thành một siêu ứng dụng có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của người dùng. Dù vậy, dịch vụ ngân hàng số toàn diện sẽ chưa xuất hiện trên nền tảng này. Theo vào đó, người dùng vẫn phải sử dụng ứng dụng GXS để truy cập được tất cả các tính năng mà nhà băng số này cung cấp.
Tương tự như đối thủ Sea, Grab vẫn đang “đốt tiền” với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư để đối lấy mục tiêu tăng trưởng. Dù vậy, trong bối cảnh lạm phát tiềm tàng và kinh tế đi xuống, các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn và bắt đầu quan tâm đến vấn đề lợi nhuận.
“Grab được định giá cao so với các công ty cùng nhóm và có vẻ đang tụt lại so với một số công ty cùng nhóm trong khu vực ở việc phát triển công nghệ siêu ứng dụng”, nhà phân tích Samuel Tan và Kevin Tan của Malayan Banking (Malaysia) chia sẻ.
Dù vậy, họ cho rằng sức mạnh tài chính của Singtel sẽ giúp khách hàng của GSX có thể yên tâm sử dụng dịch vụ bất chấp Grab hiện vẫn chưa có lãi.