Grab muốn đưa robot vào lĩnh vực giao đồ ăn
Robot tự động được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo tưởng chừng như chỉ là một cảnh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood. Nhưng chẳng lâu nữa, những robot dịch vụ này có thể trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp thực phẩm ở Nhật Bản và Singapore nhờ các công ty công nghệ và quỹ đầu tư khởi nghiệp hàng đầu, theo Nikkei.
Đây là hai quốc gia đầu tiên ứng dụng những robot như vậy vào các loại hình dịch vụ thông qua mạng lưới các đối tác của SoftBank (Nhật Bản) và Keenon (Trung Quốc). Hai công ty kỳ vọng sẽ nhân rộng việc sử dụng máy móc thông minh trong các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động.
Những robot do Keenon phát triển được tích hợp AI của hãng và hỗ trợ hạ tầng điện toán đám mây của SoftBank, giúp chúng có khả năng phát hiện và tránh chướng ngại vật trong khi giao hàng.
Một "bếp trên mây" của Grab tại Hillview ở Singapore sẽ là nơi đầu tiên sử dụng những robot này với nhiệm vụ chính là mang đơn đặt hàng từ nhà bếp đến các tài xế giao hàng. Grab - một trong những startup được đánh giá cao nhất tại Đông Nam Á, cho hay robot dịch vụ sẽ giúp họ tự động hoá một số công việc tại nhà bếp trên mây - một khu chế biến ẩm thực tập trung với các đơn đặt hàng được thực hiện thông qua ứng dụng Grab.
CEO Grab Singapore Yee Wee Tang nói rằng: "Chúng tôi mong muốn cải thiện sự linh hoạt trong các hoạt động của mình và giảm bớt các quy trình thủ công, lặp lại với sự trợ giúp của robot."
Vị CEO cũng cho biết thêm rằng robot sẽ giảm những tiếp xúc vật lý giữa người với người, đặc biệt hữu ích trong giai đoạn dịch bệnh. Mô hình bếp trên mây cũng bùng nổ trong thời kỳ khủng hoảng vì COVID-19.
Một tập đoàn khác là Tung Lok - đơn vị sở hữu và vận hành hơn 35 nhà hàng ở Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã đăng ký mua robot kể trên.
Ông Andrew Tjioe, Chủ tịch kiêm CEO Tung Lok cho biết ngành dịch vụ, đặc biệt là F&B đang đối mặt với nhiều thách thức thiếu hụt lao động trong một khoảng thời gian dài. "Chúng tôi không mong đợi những chú robot này sẽ thay thế yếu tố con người trong các hoạt động. Thay vào đó, chúng tôi hy vọng nó sẽ bổ sung và nâng cao hiệu quả dịch vụ của mình", ông nói.
Robot do Keenon phát triển được chuyển cho Grab và Tung Lok là những thế hệ robot mới nhất trong dòng sản phẩm mà công ty Trung Quốc này phát triển cho đối tác là nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, văn phòng chính phủ, viện dưỡng lão, ngân hàng và sân bay. Công ty cho biết sản phẩm của họ đã được sử dụng tại hơn 30 quốc gia, phục vụ 100.000 khách hàng trên toàn cầu.
CEO Keenon Tony Li cho biết: "Khi chi phí lao động tăng lên, công nghệ trở thành một giải pháp hợp lý tạo ra động lực thúc đẩy sự tự động hoá cùng với các nhiệm vụ của con người."
Đồng ý quan điểm này, SoftBank cho biết những khát khao đổi mới về công nghệ như vậy là rất lớn. Một nghiên cứu của Astute Analytica chỉ ra rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ nắm giữ 27% thị phần ngành công nghiệp robot giao hàng toàn cầu vào năm 2027.
Trong khi Nhật Bản và Singapore là hai nước sớm áp dụng robot vào dịch vụ thì SoftBank và Keenon cũng đặt ra mục tiêu tương tự ở châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ. Giám đốc kinh doanh SoftBank ông Kenichi Yoshida nói rằng Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Australia, cũng là những thị trường mà công ty muốn hướng tới.
"Robot không chỉ cải thiện năng suất mà còn nâng cao dịch vụ bởi khi ấy con người có thể tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị cao hơn, bao gồm chăm sóc khách hàng, trong khi robot có thể xử lý các hoạt động mang lại giá trị thấp", ông nói.
Vị CEO SoftBank tin rằng tự động hoá sẽ giúp lấp đầy khoảng trống lao động ở các quốc gia có dân số già như Singapore hay Nhật Bản. Mặc dù một số người có thể sẽ bị mất việc làm nhưng ông hy vọng rằng những công việc mới sẽ được tạo ra.