Ba sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam kêu khó: Đơn hàng tăng gấp 10 nhưng cầu nối cung ứng đang bị đứt gãy nghiêm trọng
Thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam, không chỉ tập trung dịch vụ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM mà còn lan rộng tới các địa phương khác trên cả nước.
Song, giữa đại dịch COVID-19, ngành thương mại điện tử phải chịu tác động không nhỏ do các lệnh giãn cách xã hội. Tại buổi "Tọa đàm cấp cao kinh tế số - Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới", các lãnh đạo của nhiều đơn vị giao hàng, thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada đã có dịp nói những khó khăn mà họ phải đối mặt trong thời gian này.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết: "Ngay từ lúc dự định bắt đầu, Shopee đã có những chính sách hỗ trợ người bán. Thương mại điện tử là một ngành bán hàng online nhưng nó không đơn giản như vậy.
Đội ngũ của Shopee đã hỗ trợ và giúp các nhà bán hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp tiếp cận các kỹ năng trong ngành này từ vận hành, quản lý đơn hàng cho tới tiếp cận người mua. Dự định trong tương lai, Shopee vẫn sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ các nhà bán hàng phát triển."
Ông Trần Tuấn Anh mong muốn Shopee được tiếp cận các hiệp hội, cơ quan chức năng chuyên trách với các doanh nghiệp đang kinh doanh trên Shopee. CEO Shopee VN đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong quá trình vận hành cho sàn thương mại điện tử về các thủ tục giấy tờ.
Bên cạnh đó, nỗi đau đáu của không chỉ Shopee mà còn cả rất nhiều đơn vị thương mại điện tử khác, thậm chí là các đơn vị kinh doanh offline là việc không thể giao hàng đến tay người tiêu dung do lệnh giãn cách khiến shipper gặp khó khi giao hàng.
"Một sự thật là Shopee đang có rất nhiều lượng traffic (lượng truy cập - NV) nhưng chúng tôi đang gặp khó khi cung ứng các dịch vụ này đến người tiêu dùng, cầu nối cung ứng đang bị đứt gãy nghiêm trọng", ông Trần Tuấn Anh chia sẻ. CEO Shopee VN hi vọng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho ngành thương mại điện tử và đội ngũ shipper trong tương lai.
Ông James Dong, CEO Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết thị trường thương mại điện tử của Việt Nam thay đổi rất nhanh trong thời gian qua và là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Việt Nam được xem là thị trường tăng trưởng mạnh nhất của Lazada cả về số lượng người bán và người mua. Đơn hàng của quý II tăng gấp đôi và cả năm 2021 có thể tăng gấp ba lần, kể cả trong thời điểm TP HCM giãn cách xã hội thì Lazada vẫn tăng trưởng số lượng đơn hàng trong ngày hội mua sắm 9/9 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông James Dong cho biết, với những thương hiệu lớn có thể họ đã có website riêng để bán hàng, tuy nhiên với các nhà cung cấp nhỏ lẻ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, do không có kinh nghiệm vận hành và nguồn lực, Lazada có thể hỗ trợ họ tăng trưởng tốt hơn.
"Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là logistics và chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề khi các địa phương giãn cách xã hội. Chúng tôi hy vọng sẽ kết hợp ba bên giữa thương mại điện tử, logistic và cơ quan chức năng trong việc cung cấp hàng hoá", CEO Lazada nêu đề xuất.
Về phần Tiki, đại dịch đã tạo cơ hội cho Tiki đồng hành cùng Sở Công thương và các hiệp hội để thực hiện các chiến dịch hỗ trợ cho TP HCM. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc marketing của Tiki cho rằng trong thời điểm dịch bệnh, các thông báo, văn bản được ban hành cần có những hướng dẫn nhanh để các doanh nghiệp tránh bối rối.
Đặc biệt, do không có nguồn lực từ nước ngoài như các đơn vị khác nên Tiki luôn chú trọng vào công nghệ làm nguồn lực quan trọng của công ty.
"Tiki hiểu là mình phải làm tốt về công nghệ hơn. Robotic của Tiki đã tự vận hành để chuyển những vật nặng như tivi tủ lạnh nhưng trong đại dịch. Các đơn hàng thực phẩm của Tiki tăng gấp 10 lần, ví dụ nhập hành gói hành 20kg và phải chia các gói nhỏ 1 lạng đến nửa kg thì không có robot nào có thể làm được việc đó mà mình phải làm bằng tay.
Do đó mình phải hoàn thiện về mặt công nghệ hơn", đại diện Tiki chia sẻ. Cũng như nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử khác, Tiki cho rằng logistic rất quan trọng trong chuỗi cung ứng.