Grab ‘khoe’ loạt chiến tích sau khi mua Uber Đông Nam Á, nhận thêm khoản đầu tư từ SoftBank
Grab nhận thêm khoản đầu tư 1,46 tỉ USD
Grab vừa công bố công ty vừa nhận thêm khoản đầu tư 1,46 tỉ USD từ Quỹ Vision của SoftBank (SoftBank Vision Fund - SVF). Khoản vốn tăng thêm từ SVF nâng tổng số vốn công ty huy động trong vòng gọi vốn Series H hiện tại của Grab lên tới hơn 4,5 tỉ USD.
Các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này gồm Toyota Motor Corporation, Oppenheimer Funds, Hyundai Motor Group, Booking Holdings, Microsoft Corporation, Ping An Capital và Yamaha Motor.
Grab được đầu tư thêm 1,46 tỉ USD. Ảnh: Getty Images.
Grab lên kế hoạch sử dụng số vốn mới để tiếp tục phát triển chiến lược siêu ứng dụng tại Đông Nam Á và mở rộng các lĩnh vực kinh doanh hiện tại như dịch vụ tài chính, giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa, nội dung số và thanh toán kỹ thuật số, Grab sẽ triển khai thêm nhiều dịch vụ mới trong năm 2019.
Trên nền tảng mở của Grab, GrabPlatform, các dịch vụ mới bao gồm xem video theo yêu cầu - hợp tác với HOOQ; chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số - hợp tác với Ping An Good Doctor; bảo hiểm - hợp tác với ZhongAn International; và đặt khách sạn - hợp tác với Booking Holdings.
Grab chiếm 60% thị phần gọi xe máy và 70% thị phần gọi xe ô tô tại quê nhà đối thủ Go-Jek
Grab cho biết sẽ đầu tư một phần đáng kể số vốn vừa huy động được vào Indonesia – quê nhà của đối thủ Go-Jek. Grab cho biết họ đang chiếm đến 60% thị phần đặt xe máy và 70% thị phần đặt xe ô tô trong lĩnh vực kết nối di chuyển.
Doanh thu của công ty tại Indonesia tăng hơn gấp đôi trong năm 2018. Grab sẽ sử dụng số vốn mới để thúc đẩy mở rộng dịch vụ GrabFood và GrabExpress, đồng thời ra mắt thêm lĩnh vực kinh doanh mới tại Indonesia.
Grab chiếm 60% thị phần gọi xe máy và 70% thị phần gọi xe ô tô tại quê nhà đối thủ Go-Jek. Ảnh: Shinya Sawai/Nikkei
Thông qua quan hệ hợp tác với OVO và Tokopedia, Grab đang tấn công vào hệ sinh thái kỹ thuật số của Indonesia.
Trong năm 2018, dịch vụ giao đồ ăn GrabFood phủ từ 13 thành phố vào đầu năm tăng lên đến 178 thành phố vào cuối năm, số lượng đơn hàng tăng gần gấp 10 lần. Vào tháng 1/2019, theo công ty nghiên cứu Kantar, GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn lớn thứ hai tại Indonesia, với 44% người được khảo sát lựa chọn là dịch vụ giao nhận thức ăn họ sử dụng thường xuyên nhất, so với tỉ lệ 25% vào tháng 4/2018.
Grab công bố loạt kết quả kinh doanh sau khi mua lại Uber Đông Nam Á
Sau khi mua lại Uber tại Đông Nam Á, doanh thu của Grab tăng gần gấp đôi chỉ từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018. Trong một lần chia sẻ với Nikkei, Anthony Tan, Giám đốc điều hành (CEO) của Grab tiết lộ doanh thu của Grab năm 2018 gấp đôi so với 2017, đạt 1 tỉ USD và một số mảng kinh doanh tại các thị trường lớn đã có lãi.
Trong mảng giao đồ ăn, doanh thu của GrabFood tăng gấp 45 lần trong 9 tháng sau khi mua lại Uber Đông Nam Á. GrabFood hiện tại có mặt tại 199 thành phố trên 6 quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2018, Grab Financial Group có được giấy phép tiền điện tử trên 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Từ khi ra mắt vào tháng 3/2018, Grab Financial Group có số lượng giao dịch hằng tháng tăng gần gấp 5 lần tính đến tháng 12/2018.
Cùng khoảng thời gian này, GrabExpress cũng đã tăng khối lượng đơn hàng giao nhận siêu tốc và giao nhận trong ngày lên hơn gấp 3 lần trên toàn Đông Nam Á, và hiện đã có mặt tại 150 thành phố.
Cũng trong năm qua, Grab đã mở rộng đáng kể hệ sinh thái thông qua quan hệ hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới như Toyota, Hyundai, Microsoft và Mastercard. "Kỳ lân" Nam Á đã xác lập quan hệ hợp tác với các công ty lớn địa phương và trong khu vực như Central Group và Kasikornbank tại Thái Lan; OVO, Bank BTN và Bank Mandiri tại Indonesia; United Overseas Bank tại Singapore; SM Investment Corporation tại Philippines; Moca tại Việt Nam và Maybank tại Malaysia, cùng với nhiều công ty uy tín khác.