Grab chuẩn bị IPO thông qua thương vụ sáp nhập trị giá 40 tỷ USD với một công ty khác
Hôm 13/4, hãng gọi xe công nghệ Grab Holdings Inc. dự kiến sớm tuyên bố bản thỏa thuận sáp nhập với một công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC) có tên Altimeter có trụ sở tại Mỹ rồi sau đó chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo đó, công ty kết hợp kỳ vọng chứng khoán của mình sẽ được giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq với ký hiệu "GRAB" trong những tháng tới. Việc sáp nhập này của Grab sẽ đẩy giá trị của công ty lên mức xấp xỉ 40 tỷ USD, trở thành thương vụ liên quan tới công ty SPAC lớn nhất từ trước tới nay.
Thỏa thuận giữa hai công ty bao gồm 4 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào vốn cổ phần (PIPE) từ một nhóm các nhà đầu tư châu Á và thế giới, trong đó có các công ty Fidelity International và Janus Henderson.
Được thành lập vào năm 2012, Grab Holdings Inc. có trụ sở tại Singapore là một trong số những công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất Đông Nam Á, hoạt động tại 8 quốc gia và 398 thành phố trên thế giới.
Hiện Grab đang là một "siêu ứng dụng" cung cấp các dịch vụ về di động, giao hàng, dịch vụ tài chính và nhiều hơn thế, tất cả tích hợp làm một nhằm phục vụ tối đa sự tiện lợi cho người dùng.
Theo hãng cung cấp dữ liệu PitchBook, Grab được định giá khoảng 15 tỷ USD sau vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 10/2019. Công ty này đang mở rộng dịch vụ từ gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn cho đến dịch vụ tài chính và đang đẩy mạnh vào lĩnh vực bảo hiểm và cho vay tại thị trường khu vực có 650 triệu dân này.
Quyết định trở thành công ty đại chúng của Grab được thúc đẩy bởi hoạt động tài chính mạnh mẽ trong năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Grab đã công bố trong thông cáo rằng công ty có tổng giá trị giao dịch hàng hoá (GMV) đạt khoảng 12,5 tỷ USD năm 2020, vượt qua mức trước đại dịch và tăng hơn gấp đôi so với năm 2018.
Công ty hiện cũng dẫn đầu danh mục ở Đông Nam Á về ngành nghề cốt lõi của mình trong năm 2020. Trong đó, GMV toàn khu vực đối với dịch vụ gọi xe chiếm khoảng 72%; 50% tổng GMV khu vực đối với dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến; và 23% tổng lượng thanh toán khu vực đối với dịch vụ thanh toán qua ví điện tử.
Về SPAC, đây là các công ty được một nhóm nhỏ nhà đầu tư sành sỏi hoặc các chuyên gia đầu ngành thành lập và tiến hành huy động vốn thông qua IPO. Mục đích duy nhất là mua hoặc sáp nhập với một công ty chưa niêm yết. SPAC trong vài năm trở lại đây trở thành kênh ưa chuộng của nhiều nhà đầu tư.
Các thương vụ lớn có liên quan tới SPAC gần đây phải kể đến như thương vụ sáp nhập trị giá 16 Tỷ USD giữa UMW Holdings Corp với một SPAC do tỷ phú Alec Gores hậu thuẫn. Hay thỏa thuận giá trị 24 tỷ USD mà nhà sản xuất xe điện hạng sang Lucid Motors đã ký với SPAC do nhà tài phiệt Michael Klein điều hành.
Theo trang Investopedia, SPAC (tiếng Anh: Special Purpose Acquisition Company; tạm dịch: công ty đi mua lại với mục đích đặc biệt; công ty séc trắng) là công ty được thành lập không nhằm mục đích thương mại mà để huy động vốn thông qua hình thức IPO nhằm mục đích mua lại một công ty khác.
Về đặc điểm, SPAC không có hoạt động thương mại, công ty không tạo ra sản phẩm và cũng chẳng bán bất cứ thứ gì. Theo Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), trên thực tế, tài sản duy nhất của SPAC thường là số tiền huy động được trong đợt IPO của chính công ty.
Về lợi ích, việc bán công ty cho một SPAC là hướng đi đầy hấp dẫn đối với các chủ sở hữu của công ty nhỏ hơn - thường gây vốn qua nguồn tư nhân. Đầu tiên, giá bán mà SPAC trả có thể cao hơn tới 20% so với một thương vụ với quỹ đầu tư tư nhân thông thường.
Tiếp theo, việc được mua lại bởi SPAC cũng mang lại cho các chủ doanh nghiệp một quy trình IPO nhanh hơn dưới sự dẫn dắt của một đối tác có kinh nghiệm, ít lo lắng về sự dao động trong tâm lý thị trường rộng lớn hơn.