|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

GoTo, Grab và Sea tạo ra cuộc đua tam mã ở mảng công nghệ tại Đông Nam Á

11:42 | 21/05/2021
Chia sẻ
Thị trường Đông Nam Á đủ lớn để GoTo, Grab và Gojek cùng tồn tại ở thời điểm hiện tại nhưng trong tương lai nhà vô địch sẽ cần chứng minh mình có một mô hình kinh doanh bền vững.

Hãy tưởng tượng khi công ty thương mại điện tử Amazon, công ty giao đồ ăn DoorDash và công ty gọi xe Uber sáp nhập ở Mỹ. Đó chính là tiềm năng mà thương vụ sáp nhập Gojek-Tokopedia có thể có được ở Indonesia, theo nhận định từ tờ Nikkei. Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới đồng thời là một trong những nền kinh tế Internet phát triển nhanh nhất.

GoTo, Grab và Sea tạo ra cuộc đua tam mã ở mảng công nghệ tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

Người dân Indonesia đọc thông tin Gojek và Tokopedia sáp nhập trên một tờ báo địa phương. (Ảnhh: Nikkei).

Đầu tuần này, Gojek và Tokopedia, 2 startup lớn nhất Indonesia, tuyên bố sẽ sáp nhập và tạo ra một công ty mới có tên GoTo Group với mảng dịch vụ cung cấp bao gồm gọi xe, giao đồ ăn, thương mại điện tử cho tới thanh toán số.

Gojek đang có hơn 2 triệu tài xế đăng ký ở cả mảng xe hai bánh và 4 bánh, trong khi đó Tokopedia là một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu Indonesia. 

"Tài xế Gojek sẽ giao được nhiều đơn hàng của Tokopedia hơn", Andre Soelistyo, đồng CEO Gojek, nói về việc sáp nhập. Đồng thời với đó, "các đối tác bán hàng trên mọi quy mô sẽ được hưởng lợi từ các giải pháp kinh doanh được cải thiện". Sau sáp nhập, ông Andre Soelistyo sẽ trở thành CEO của GoTo.

Gojek và Tokopedia đang muốn tận dụng tối đa những gì mà sự hợp tác của họ có thể mang lại ở Indonesia. Dù vậy, mảng công nghệ tiêu dùng ở Đông Nam Á vốn đã rất nóng bỏng và việc GoTo xuất hiện còn khiến cạnh tranh dâng cao lên hơn bao giờ hết. 

Hiện tại, Gojek đang cạnh tranh mạnh mẽ với đối thủ Grab, trong khi đó đổi thủ của Tokopedia là Shopee (Sea). GoTo, Grab và Sea đang tạo ra một cuộc đua tam mã gay cấn tại Đông Nam Á.

Grab và Gojek đang nỗ lực lôi kéo người dùng vào hệ sinh thái "siêu ứng dụng" dày công xây dựng. Theo lý thuyết, điều này khiến cả hai khó cùng tồn tại tại cùng thị trường vì chiến lược của cả hai là "khóa" càng nhiều người dùng càng tốt. Năm ngoái, Gojek và Grab đàm phán sáp nhập để giải quyết vấn đề này song đàm phán không đạt kết quả vì bất đồng tỷ lệ chia sẻ cổ phần.

Ở "mặt trận" thương mại điện tử, Tokopedia cũng gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với Shopee, sàn thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất Indonesia, theo iPrice. ShopeePay hiện cũng là dịch vụ thanh toán số được sử dụng nhiều nhất tại đây, theo Ipsos Indonesia, dù một số nghiên cứu thị trường khác đưa ra kết quả thứ hạng trái ngược.

Dù cạnh tranh khốc liệt, một số chuyên gia nói rằng thị trường Đông Nam Á vẫn còn dung lượng để cả ba "ông lớn" cùng tồn tại, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

 "Tỷ lệ đón nhận dịch vụ số ở Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh, cùng với quy mô dân số trung lưu tăng mạnh, vẫn còn dung lượng để mở rộng thị trường. Dần dần, thị trường Đông Nam Á sẽ chỉ còn chỗ cho một vài siêu ứng dụng. Dù vậy, vì sự đa dạng về văn hóa cũng như thói quen tiêu dùng, chúng ta có thể thấy sự phong phú về đặc điểm trong các ứng dụng phổ biến tại nhiều quốc gia khác nhau", bà Shirley Wong từ Viện sáng tạo và doanh nhân SMU và quỹ TNF Ventures chia sẻ

Bà nhận định thách thức lớn nhất cho GoTo và các đối thủ sẽ việc tạo sự khác biệt.

Ông Nirgunan Tiruchelvam, Giám đốc công ty nghiên cứu Tellimer Research, đồng quan điểm rằng các công ty nên tồn tại song song trong khu vực. "Thị trường Đông Nam Á có tới 650 triệu dân và chúng ta mới chỉ khai thác bề mặt của nền kinh tế số", ông nói.

Tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế Internet Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng 3 lần để chạm mốc 300 tỷ USD vào năm 2025, so với số liệu năm 2020, theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co.

Dù vậy, ông Tiruchelvam nói rằng các công ty như Grab hay GoTo phải đợi vài năm nữa để đạt đến thời điểm dừng "đốt tiền" và có lợi nhuận. Ông nói rằng Gojek và Tokopedia nên tìm kiếm các cơ hội giảm thiểu chi phí vận hành khi hợp nhất.

Cả ba công ty đều đang đầu tư mạnh vào bổ sung dịch vụ và mở  rộng ra Đông Nam Á. Từ năm 2019, Grab bổ sung thêm 6 dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính điện tử và đang ráo riết mở rộng chúng ra các thị trường mới như Philippines và Thái Lan. Cùng thời điểm, chi phí hoạt động của Sea tăng gấp đôi trogn quý 1/2021 khi công ty này đẩy mạnh hoạt động marketing để vượt lên đối thủ.

Áp lực vốn khiến Grab và GoTo cần thực hiện IPO càng sớm càng tốt. Vài tuần trước khi Gojek và Tokopedia xác nhận sáp nhập, Grab tuyên bố thực hiện IPO ở Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC). Grab đat định giá kỳ vọng 39,6 tỷ USD qua thương vụ này. Sea hiện đang có vốn hóa hơn 100 tỷ USD trên sàn Mỹ. Không ngồi yên, GoTo cũng muốn IPO trước thời điểm năm 2021 kết thúc.

Ông Patrick Cao, Chủ tịch Tokopedia và sẽ là chủ tịch của GoTo, nói rằng GoTo theo đuổi kế hoạch IPO để có thêm vốn cho hoạt động phục vụ khách hàng và mở rộng.

Trước đó, Gojek, Grab và Tokopedia dựa vào các nhà đầu tư dài hạn, trường vốn và không ngại rủi ro như SoftBank. Dù vậy, một khi đã thực hiện IPO, câu hỏi đặt ra là rất cơ bản với các nhà đầu tư: Khi nào các công ty này có lãi.

Vì tập trung vào mục tiêu thị phần và tăng trưởng doanh thu, Grab, Gojek, Tokopedia và ngay cả Sea cũng chưa có lãi. Grab nói rằng công ty này sẽ không có lãi cho tới năm 2023 trogn khi đó lỗ ròng của Sea trong năm 2020 tăng lên 1,62 tỷ USD từ con số 1,46 tỷ USD một năm trước đó.

Việc các công ty như Grab hay GoTo thực hiện IPO sẽ là một bài kiểm tra quan điểm đầu tư của thị trường với tiềm năng tăng trưởng và rủi ro. Sau IPO, các nhà đầu tư đại chúng sẽ so sánh kết quả kinh doanh của hai công ty này từng thời kỳ và sự hơn kém có thể tương đương với dòng vốn chảy qua lại.

Cấu trúc quản trị của mỗi công ty cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Sau sáp nhập, cổ đông Gojek sẽ có 58% cổ phần công ty mới, trong khi đó cổ đông của Tokopedia có 42%. SoftBank và Alibaba, hai cổ đông lớn nhất của Tokopedia trước sáp nhập, sẽ là những cổ đông lớn nhất của GoTo với cổ phần lần lượt là 15,3% và 12,6%.

Gojek và Tokopedia cũng có nhiều cổ đông lớn như Google và Temasek. Một số nhà đầu tư khác vào Gojek còn có thể kể đến Facebook, công ty quỹ tư nhân KKR, tập đoàn Indonesia Astra International và Tencent.

Những cạnh tranh ngay cả bên trong nhóm cổ đông của GoTo, ví dụ như Alibaba – Tencent và Facebook – Google, cũng có thể khiến quá trình đưa ra quyết định ở công ty mới chậm hơn, Nikkei nhận định.

Gojek, Tokopedia và Grab đều đã tồn tại được trên dưới một thập niên. Tăng trưởng đến thời điểm hiện tại chủ yếu là do những khoản vốn đầu tư rủi ro cao từ nhóm nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư chiến lược và các công ty quỹ tư nhân.

GoTo, Grab và Sea sẽ sớm phỉ chứng tỏ cho các nhà đầu tư rằng họ có kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao và bền vứng. Đây cũng chính là yếu tố quyết định ai sẽ là nhà vô địch trong cuộc đua công nghệ tiêu dùng Đông Nam Á.

Nam Khánh